1. Mở đầu
Trong lịch sử Phật giáo Hà Nội, Ni giới Phật giáo Hà Nội là bộ phận quan trọng góp phần vào sự nghiệp chính dương hoằng pháp để phát triển Ni giới Phật giáo nói riêng và Phật giáo nói chung đồng thời cũng góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Từ trong lịch sử đến nay Ni giới Phật giáo Hà Nội cùng với chư tăng đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước, trong đó, phải kể đến những vị nữ tướng xuất gia tu hành từ thời Hai Bà Trưng, như: công chúa Phương Dung, Từ Hoa,… cho đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ni giới Phật giáo Hà Nội tích cực tham gia phong trào kháng chiến, kiến quốc, xây dựng, củng cố hậu phương vững chắc, chi viện cho tiền tuyến. Khi đất nước thống nhất, nhiều Ni được nhân dân tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội và Hội Chữ thập đỏ các cấp; được Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen… Với những đóng góp tích cực cả về tư tưởng cũng như các hoạt động xã hội, Ni giới Thủ đô không chỉ gắn liền với quá trình hình thành Phật giáo Việt Nam mà còn là nơi phát huy tinh thần nhập thế của Phật giáo trong các hoạt động từ thiện, giáo dục, và giữ gìn truyền thống Phật giáo.
2. Nội dung
2.1. Quá trình hình thành và phát triển Ni giới Thủ Đô
Ni giới tại Hà Nội có sự phát triển cùng với sự lan truyền của Phật giáo vào Việt Nam từ thời Lý – Trần. Trong giai đoạn này, các vị nữ tu sĩ Phật giáo đã bắt đầu xuất hiện, tiếp nối dòng truyền thừa của Đức Phật, không chỉ làm công tác hoằng pháp mà còn giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội. Nhiều vị Ni sư có công lớn trong việc truyền bá Phật pháp và xây dựng các ngôi chùa ni, điển hình là Ni sư Thích Đàm Hương và các thế hệ sau này. Trong thế kỷ 20, Ni giới Thủ đô đã có những bước phát triển đáng kể, nhất là sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập vào năm 1981. Các Ni sư tại Thủ đô đã tích cực tham gia vào các hoạt động Phật sự lớn, góp phần củng cố và phát triển vị thế của Ni giới trong đời sống Phật giáo nói chung. Nhiều ngôi chùa Ni tại Hà Nội như chùa Bồ Đề, chùa Kim Liên đã trở thành trung tâm tu học quan trọng, thu hút đông đảo Ni chúng từ khắp nơi về tu tập.
2.2. Sự phát triển của Ni giới thủ đô trong lòng Ni giới cả nước
Về mặt giáo dục và đào tạo nhân tài: Ni giới Thủ đô luôn chú trọng việc nâng cao trình độ học vấn và tu học cho chư Ni trong toàn thành phố. Nhiều vị đã tham gia giảng dạy tại các trường Phật học, đồng thời trợ duyên khuyến khích Ni chúng theo học tại các trường Phật học và thế học trong và ngoài nước. Đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng đào tạo ra hàng Ni lưu có tâm đức và tài đức, góp phần cho sự phát triển của Phật giáo trong bối cảnh hiện đại.
Về phương diện hoạt động từ thiện và an sinh xã hội: Ni giới Thủ đô không chỉ tập trung vào việc tu học mà còn tham gia vào nhiều hoạt động từ thiện an sinh xã hội, tổ chức các chương trình từ thiện như tặng gạo, thực phẩm dụng cụ sinh hoạt cần thiết hằng ngày quần áo cho người nghèo, hỗ trợ các trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa và tham gia tích cực vào các chương trình thiện nguyện khi cần thiết theo lời kêu gọi của Trung ương Giáo hội. Các hoạt động này không chỉ giúp gắn kết Phật giáo với cộng đồng mà còn thể hiện tinh thần nhập thế của Ni giới Thủ đô nói riêng và Ni giới Việt Nam nói chung.
Về mặt giữ gìn truyền thống và văn hóa: Một vai trò hết sức quan trọng của Ni giới Thủ đô là giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Các Ni sư đã chú trọng vào việc bảo tồn các nghi lễ, văn hóa Phật giáo trong bối cảnh hiện đại hóa. Đồng thời, không ngừng đổi mới, cập nhật những kiến thức và phương pháp hiện đại trong việc hoằng pháp, nhằm giúp Phật tử hòa nhập và thích nghi phù hợp với những thay đổi của xã hội.
Về vai trò lãnh đạo trong Giáo hội: Nhiều Ni sư tại Hà Nội đã trở thành những vị lãnh đạo quan trọng trong các ban ngành trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam như: Ni trưởng Thích Đàm Thành, Ni Trưởng Thích Đàm Lan, Ni Trưởng Thích Đàm Khoa… và còn có các vị Ni trẻ đã có những đóng góp tích cực vào các hoạt động hoằng pháp, từ thiện, và giáo dục Phật giáo và góp phần xây dựng phát triển Ni giới trên toàn quốc.
3. Kết luận
Ni giới Thủ đô với truyền thống lâu đời và sự phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hiện đại, đã đóng góp lớn cho sự phát triển của Ni giới Việt Nam từ việc đào tạo Ni tài và tham gia hoạt động từ thiện, cho đến việc giữ gìn truyền thống văn hóa Phật giáo. Sự phát triển này không chỉ tạo nên những giá trị tinh thần to lớn mà còn giúp lan tỏa tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo trong xã hội hiện đại.
Ni trưởng Thích nữ Diệu Cảnh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tỳ kheo Ni Như Đức (biên soạn), 2009. Lược sử Ni giới Bắc Tông Việt Nam. Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
2. Thích Nữ Huệ Liên. Sự đóng góp của Ni giới, một sứ mệnh có thể thực hiện, trên trang: http://thuvienhoasen.org
3. Nguyễn Văn Long. Phật giáo Việt Nam 30 năm thành lập và truyền thống Hộ quốc An dân, trên trang: http://btgcp.gov.vn
4. Nữ Hương Nhũ, 2013. Ni giới Việt Nam ngày nay, trên trang: http://quangduc.com
5. HT. Thích Trí Quảng. Vai trò của Ni giới Việt Nam trong xã hội hiện nay, trên trang: http://giacngo.vn.