Giáo dục xưa nay được xem là vấn đề quan trọng trong sự hình thành nhân cách con người qua mọi thời đại. Để đất nước được phồn vinh, xã hội được phát triển thì sự nghiệp giáo dục phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, xây dựng một hệ thống giáo dục toàn diện theo từng cấp bậc, nhất là hệ thống giáo dục mầm non, luôn được xem là quan trọng, thiết yếu. Đối với Phật giáo, nền giáo dục của Như Lai vẫn không ngoài mục tiêu đó. Tuy hình thức và phương tiện giáo dục có khác nhau, nhưng Phật giáo vẫn chủ trương đưa mọi người trở về với chánh đạo, trước hết hướng đến con đường chân, thiện, mỹ. Chúng ta biết:“Muốn đi xa phải từ nơi gần, muốn lên cao phải từ nơi thấp”, muốn đạo Phật sớm được du nhập vào thế hệ trẻ, ngay từ bây giờ cần phải chú trọng đến giáo dục mầm non. Đó là vấn đề cấp bách mang tính lâu dài trên bước đường “hoằng hóa lợi sanh” của người con Phật.
Pháp sư Tịnh Không từng khẳng định: “Phật giáo không phải là một tôn giáo mà là một nền giáo dục mang tính toàn cầu…”. Cho nên, từ lâu đạo Phật luôn lấy con người làm mục tiêu để hóa độ. Bởi hiểu rõ bổn tánh của chúng sanh vốn là Phật tánh nhưng do xuất phát từ những môi trường, hoàn cảnh khác nhau mà hình thành nên nhân cách sống khác nhau. Vì vậy, xây dựng nền móng đạo đức ban đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người về sau.
Ngày nay, trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, bên cạnh những thành tựu vượt bậc của khoa học kỹ thuật là sự suy thoái đạo đức trong một bộ phận thế hệ trẻ. Sự thiếu hụt về nguồn tri thức cộng với sự yếu kém về năng lực, đã đẩy những con người này vào vòng vây của vô minh, tội lỗi. Thực trạng trên đã trở thành vấn đề nan giải của xã hội, cũng là vấn đề mà mỗi người con Phật cần suy nghĩ và hành động. Làm sao để thế hệ tương lai của đất nước có trình độ tri thức cao, có một sự nhận thức tiến bộ trong công việc và lối sống? Tất cả đều phải bắt tay vào việc đào tạo bậc giáo dục mầm non.
Trong những năm gần đây, bậc giáo dục này gặp phải những khó khăn về công tác quản lý, phương pháp giảng dạy và chăm sóc trẻ. Do đó, đã có những vụ việc xấu xảy ra tạo nên cái nhìn không tốt trong dư luận. Đứng trước thực trạng đó, Phật giáo Việt Nam cần phải có những đường lối, chính sách để đưa hệ thống giáo dục mầm non hoàn thiện cả về lượng lẫn về chất. Sự kết hợp giữa tư tưởng đời và đạo có ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách cho trẻ.
Trong suốt quá trình hành đạo, đức Phật không dùng văn tự mà dùng thân giáo, khẩu giáo, và ý giáo để độ sanh. Vì vậy, để xây dựng một môi trường giáo dục mầm non lành mạnh, phát triển, chúng ta cần phải sử dụng đầy đủ những hình thức giáo dục trên. Phải xác định rằng, đưa hệ thống giáo dục mầm non vào hệ thống giáo dục của đạo Phật, không phải là sự rời bỏ mọi kiến thức thế tục, để đem đến cho trẻ những nguồn giáo lý cao siêu, mà chỉ nên hình thành một cái nhìn ban đầu của trẻ về đạo Phật. Qua một câu niệm Phật trước khi ăn, một cái chắp tay xá chào trước khi ra về, cũng đủ để thế hệ tương lai nhận biết được có một đạo Phật đang tồn tại trên cõi đời này. Đó là nền móng và là con đường nhằm du nhập lối sống “tốt đời đẹp đạo” vào thế hệ trẻ.
Nhận thấy được lợi ích và tầm quan trọng của hệ thống giáo dục mầm non, trong các cuộc họp thường kỳ của Giáo hội Phật giáo nói chung và Phân ban đặc trách Ni giới nói riêng, quý Ngài đã đưa ra nhiều phương hướng, nhằm phát triển rộng mô hình giáo dục mầm non trong các chùa chiền, tự viện…Nhưng vấn đề này vẫn chưa được thực hiện một cách đồng bộ và thống nhất. Trong khi đó, những tôn giáo khác mà đặc biệt là Thiên chúa giáo đã áp dụng mô hình này một cách rộng rãi và có hiệu quả trong khắp cả nước. Như vậy, đạo Phật muốn tồn tại lâu dài và bền vững thì cần phải chú trọng vào hình thức giáo dục trên.
Tuy một số cơ sở Phật giáo đã phát triển các mô hình khóa tu mùa hè cho học sinh, sinh viên nhưng vẫn chưa thật sự quy mô và phổ biến trong cả nước. Việc xây dựng hệ thống giáo dục mầm non không chỉ hình thành được những nhận thức ban đầu cho trẻ, mà còn thu hút sự tham gia ủng hộ của các tầng lớp phụ huynh học sinh. Khi triển khai xây dựng mô hình trường học này, hầu hết tất cả các tự viện đều gặp khó khăn về vấn đề cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Phần lớn không gian ở nhà chùa xây dựng nhằm phục vụ cho vấn đề tu tập, không phải là học tập, đặc biệt đối tượng là trẻ em. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng là yếu tố không thể thiếu cần có sự đầu tư đúng mức, quan trọng hơn phải có một đội ngũ thế hệ Ni sinh trẻ, nêu cao tinh thần học tập và dấn thân phục vụ cho bậc giáo dục mang tính chất ban sơ này.
Phước huệ song tu được đức Phật xem là hai hình thức tu tập không thể thiếu trên lộ trình giác ngộ, giải thoát của hành giả xuất gia. Mỗi hạnh nguyện của người tu sĩ là một chân đi vào tịnh độ để làm lợi lạc cho quần sanh. Vì vậy, các bậc tôn túc của Giáo hội đã không ngừng kêu gọi những ni sinh trẻ tham gia học tập các khóa đào tạo giáo viên mầm non, để quay về phục vụ cho đạo pháp và dân tộc. Tuy đó chỉ là việc làm nhằm đem lại phước báu hữu lậu, nhưng nó sẽ là sự góp nhặt lâu dài để làm nền tảng cho sự hình thành phước báu vô lậu về sau. Đó cũng là việc làm thiết thực nhằm giúp cho người xuất gia đền đáp tứ ân sâu nặng trên bước đường “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.
Đạo đức con người là yếu tố cấu thành nên đạo đức xã hội. Vì vậy, xã hội cần phải có trách nhiệm giáo dục con người trở thành những công dân tốt. Cứu nhân, độ thế là mục đích của người xuất gia. Vì vậy, người xuất gia phải có trách nhiệm cảm hóa chúng sanh một cách bình đẳng không phân biệt. Có thể nói, người tu sĩ muốn hành đạo phải phát huy tinh thần nhập thế một cách mạnh mẽ như đức Phật từng dạy: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Cho nên, việc xây dựng hệ thống giáo dục mầm non vào các cơ sở Phật giáo thể hiện cái nhìn sâu rộng, góp phần vào sự trường tồn và phát triển của đạo pháp sau này. Đó cũng là hạnh nguyện cao cả trên lộ trình “tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự” của mỗi hành giả xuất gia.
Thọ Nhã (ĐSHĐ-010)