Nhìn từ góc độ lịch sử, dấu mốc ngoại giao giữa đảo quốc Tích Lan (Sri Lanka) và Việt Nam được chính thức bắt đầu từ hậu bán thế kỷ XX – một khoảng thời gian không quá lâu trong lịch sử ngoại giao của nền văn minh Đông Nam Á. Trong vô vàn sợi dây liên lạc, kết nối đó; có thể nói sự giao thoa về tôn giáo là mắt xích gần gũi, đánh dấu quan hệ thân hữu liên tôn giáo giữa hai quốc gia. Riêng nói về điều này, Phật giáo Việt Nam cũng vinh dự được làm người bạn đồng hành và thân hữu cùng Phật giáo đảo quốc Sư Tử hơn nửa thế kỷ qua. Tất nhiên, trong phạm vi kết nối của cộng đồng Phật giáo cũng có khá nhiều lý do, khá nhiều lĩnh vực để nói lên mối liên hệ đặc biệt của đạo Phật giữa hai nước. Song, tôi dành sự quan tâm của mình đối với mối liên hệ về truyền thống tu học của Ni giới Phật giáo. Đặc biệt Ni giới Hệ phái Nam tông tại Việt Nam – một hệ phái được sản sinh và nối nguồn từ nước bạn (Sri Lanka). Với ý nghĩ đó, tôi sẽ điểm qua 4 phương diện mà tôi thấy có sự gắn kết rõ ràng nhất. Đó là: giới pháp, giáo dục, hoằng pháp và truyền trì mạng mạch Ni giới.
Nội dung
1. Giới pháp
– gạch nối đầu tiên của Ni giới Nam tông Việt Nam trên đảo quốc Sư Tử
Không có quá nhiều sự kiện để giới nghiên cứu vinh danh về sự có mặt của Ni giới Nam tông trên đất Việt. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, với 20 năm tồn tại, hệ phái này đang đặt ra nhiều mối quan tâm cho truyền thống tu học của Ni lưu bản địa. Với một bề dày lịch sử khá mỏng và với một số lượng nữ tu khá khiêm tốn; việc nghiên cứu cụ thể, chi tiết của hệ phái trên hệ thống tư liệu sách vở, báo chí… quả thật hiếm hoi. Thế nên, mọi khảo sát đều tập trung vào việc phỏng vấn trực tiếp đến với các Ni lưu đầu tiên của giáo đoàn. Đặc biệt là Sư ni Thích Nữ Liễu Pháp.
Câu chuyện diễn ra với giáo đoàn Ni, Hệ phái Nam tông Kinh Việt Nam vào cuối thế kỷ XX (2000). Trong sự khát khao được tu học theo đạo Phật Nguyên thủy, những người con gái Phật trên đất Việt của hai thập niên trước đã chấp nhận hình thức ‘Tu nữ’, thọ trì 8 – 10 giới. Bằng tất cả lòng hướng thiện và hướng thượng, sự cầu học của những ‘Tu Nữ’ trẻ ấy đã vượt ngoài biên giới đất Việt để trở về trên quê hương Phật vào cuối thế kỷ XX (1998). Bấy giờ, Sư ni Liễu Pháp vinh dự là ‘Tu nữ’ Việt Nam đầu tiên được du học trên đất Ấn. Năm 2000, nhờ tham dự Hội nghị Sakyadhita lần thứ 6 tổ chức tại Lumbini – Nepal; Ni Liễu Pháp đã bắt gặp được hình ảnh các Tỳ-kheo-ni của Ấn Độ và Sri Lanka trong những chiếc y vàng rực rỡ. Qua đó, Sư biết được thông tin về Giới đàn Nam tông đầu tiên trong thời cận đại được tổ chức ở Sarnath vào năm 1996, và ở Bodhgaya năm 1998. Có thể nói, đây là tín hiệu cũng là tia sáng cho thấy, lịch sử Ni đoàn Phật giáo nguyên thủy nói chung và ‘Tu nữ’ Việt Nam nói riêng đã bắt đầu bước sang một trang mới, cơ hội mới sau hơn 10 thế kỷ bị mai một.
Vào tháng 3 năm 2002, sau khi được sự cho phép của Bổn sư thế độ, những ‘Tu nữ’ Việt Nam được chính thức đăng đàn thọ giới. Qua sợi dây liên lạc với các Tỳ-kheo-ni Sri Lanka như Ni sư Peliyagoda Sudarshana, 4 ‘Tu nữ’ đầu tiên của Việt Nam (gồm Ni Liễu Pháp, Như Liên, Tịnh Nguyên, Huệ Minh) đã trở thành giới tử của Giới đàn Tỳ-kheo-ni Nam tông quốc tế tổ chức tại thủ đô Colombo. Sau ngày thọ giới, 4 vị Tỳ-kheo-ni ấy được sự quan tâm và dìu dắt tận tình của Thầy Yết ma – Ni sư Sudarshana. Theo lời của Ni sư Liễu Pháp: “Bấy giờ, chư Ni Việt Nam được Sư ni Sudarshana đưa đến Thiền viện Paramita ở Kandy để học giới luật với Thầy Yết Ma bên Tăng là Ngài Silananda. Sau đó, đến Ni viện trụ sở Hội Tỳ-kheo-ni Sri Lanka ở Kegalla để sinh hoạt chung với Ni chúng và đi thăm một số Tu viện, Ni viện ở Sri Lanka1.”
Nếp sống sinh hoạt mới do chư Ni Nam tông truyền về từ nước bạn là luồng sinh khí mới để làm tăng trưởng niềm tin cho Ni giới Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Màu áo nguyên thủy được giữ gìn 20 năm qua cũng một phần nào nói lên liên hệ văn hóa của Ni đoàn Phật giáo hai nước. Xem đó có thể thấy, tất cả những mối liên hệ buổi đầu có ý nghĩa rất lớn trong việc nối lại truyền thống Ni giới nguyên thủy trên không gian quốc tế, lại vừa đánh dấu cho sự kết nối giới pháp giữa Ni chúng Nguyên thủy Việt Nam và Sri Lanka.
So với nhiều quốc gia Phật giáo Đại thừa khác thì Việt Nam vinh dự được tiếp nối một Ni đoàn có sắc vóc từ thời đức Phật. Dù đối với Việt Nam, một vài thành phần đã nhìn nhận điều này theo khía cạnh mới mẻ. Nhưng thực tế, Ni đoàn hiện đại đang tái thiết lập những nét đẹp cổ truyền của Ni đoàn Nguyên thủy – một hệ phái gốc rất đáng trân trọng, phát huy và gìn giữ. Từ đó, mở ra một không gian lớn mạnh hơn trên con đường tu, học và hành pháp cho chư Ni cùng hệ phái của hai nước.
2. Giáo dục
Nói về phương diện giáo dục, chắc hẳn chúng ta không quên được Cố trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu – người đã đặt nền móng Kinh tạng và giáo dục rất sâu cho Phật giáo Việt Nam sau chuyến du học xa xứ, trong đó có đến sống ở Tích Lan đến 5 năm2. Nhân vật thứ 2 là Hòa thượng Quảng Liên – người được cử làm Ủy viên Giáo dục Phật giáo Thế giới trong chuyến tham dự Đại hội thành lập Giáo hội Tăng già Thế giới tại Colombo (Tích Lan) năm 1965 và 19703. Nhân vật thứ 3 là Hòa thượng Thích Quảng Độ. Cả 3 Ngài đều là những nhân vật tiêu biểu đại diện cho Hội Phật giáo Nam, Trung và Bắc Việt được Tổng Trị sự Phật giáo Việt Nam cử đi du học tại Trường Phật giáo Thế giới Colombo – Tích Lan, Trường Đại học Quốc gia KanDy – Tích Lan vào năm 19514. Sự kiện này muốn nhấn mạnh đến việc kết nối Phật giáo, đặc biệt giáo dục Phật giáo đã có không chỉ 50 năm mà đã hơn 70 năm. Dầu vậy, người nối gót theo quý Ngài trong giai đoạn sau không nhiều. Theo lời của Ni Liễu Pháp, “trước năm 2000, rất ít Tăng Ni sinh Việt Nam đến du học tại Sri Lanka. Năm 1999, khi Tôi sang Sri Lanka lần đầu tiên, chỉ có 2 vị Tăng được gởi từ Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh sang du học là Đại đức Bửu Hiền và Đại Đức Thạch Long Thinh. Mãi sau này, khi việc đi lại dễ dàng hơn thì mới có nhiều Tăng Ni sinh sang du học và hoằng pháp5.”
Riêng nói về việc du học của chư Ni Việt Nam ngày nay trên đảo quốc cũng tương đối nhiều hơn thời kỳ trước, bao gồm cả chư Ni thuộc ba Hệ phái Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ.
Phần lớn, chư Ni ghi danh học tập tại các trường: Kelaniya University và Học viện Phật giáo Quốc tế Sri Lanka (SIBA). Trong đó, chư Ni Nam tông khi qua Sri Lanka du học sẽ được gửi và y chỉ chư Tôn đức Ni ở các chùa địa phương, để được hướng dẫn trong pháp học và pháp hành. Tất nhiên, khi xác định du học trong môi trường của các đất nước có truyền thống Phật giáo Nguyên thủy thì thế mạnh đào sâu các hệ triết lý, Luận tạng đều ưu tiên theo tinh thần Nguyên thủy.
Ngoài ra, chính bản thân Sư ni Liễu Pháp cũng thường tham dự các hội thảo về Phật học và ngôn ngữ Pali tại các trường đại học Phật giáo ở Sri Lanka. Đây là điểm đặc biệt được phát huy rất mạnh ở chư Ni hệ phái Nguyên thủy. Đáng nói hơn, việc tiếp cận nguồn pháp bảo bằng văn hệ Pali hay những ngôn ngữ gốc là điều tương đối khó. Song, việc nhận diện và vượt qua chướng ngại ngôn ngữ đã thể hiện sự nỗ lực khát khao tìm cầu, khát khao được sống trong tinh thần nguồn cội của Ni đoàn Nam tông Việt Nam.
Hơn nữa, hiện nay Hội Tăng già Tỳ-kheo-ni Theravada quốc tế (United Theravada Bhikkhuni Sangha International) vừa mới được thành lập năm 2021. Trong đó, Sư ni Liễu Pháp đảm nhận chức vụ Tổng Thư ký, đang có những hoạt động tích cực như tổ chức các buổi thuyết giảng định kỳ hàng tháng online, các lớp học Phật pháp và giới luật, cũng như các Giới đàn Tỳ-kheo-ni trong khu vực6. Điều này góp phần không nhỏ trong việc tạo một sợi dây kết nối vững chắc và lâu dài cho chư Ni Nam tông trên toàn thế giới. Với ý nghĩa và tinh thần giáo dục đó, hy vọng mỗi thành viên trong Ni đoàn đều nỗ lực hết mình để nâng cao giá trị Nguyên thủy. Có như vậy mới đủ uy tín, sức mạnh để nói lên tiếng nói chính thống của Ni đoàn như chính Trưởng lão Sanghamitta7 đã dày công truyền bá, gầy dựng cho chư Ni Tích Lan hơn 10 thế kỷ trước.
3. Hoằng pháp
Bên cạnh những kết nối về giới pháp, giáo dục… Ni giới Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động hoằng pháp, thiện nguyện trên mảnh đất đảo quốc Sư Tử. Năm 2004, sau trận thiên tai sóng thần Tsunami đem đến nhiều thiệt hại cho người dân Sri Lanka, Ni đoàn Nguyên thủy đã cùng phái đoàn chư Tăng và Phật tử Việt Nam ở hải ngoại đến đây để hỗ trợ quần áo, vật thực và xây nhà cho những đồng bào bị tổn thất tài sản.
May mắn hơn, Ni sư Huệ Tín – một thành viên của Ni đoàn Bắc tông Việt Nam đã được Tăng già Tích Lan giao cho trụ trì một ngôi chùa lớn ở Kandy. Nhiều năm qua, Ni sư đã có những hoạt động hoằng pháp, từ thiện, góp phần gắn kết với Phật tử địa phương. Rõ ràng, đây là tín hiệu của nhu cầu tiếp biến văn hóa tôn giáo. Nếu nữ tu Việt Nam được thọ nhận giới pháp Nguyên thủy như một văn hóa cội nguồn thì Sri Lanka cũng được tiếp thu một nền tín ngưỡng Phật giáo Đại thừa rất riêng đến từ Việt Nam. Ngoài ra, các Sư cô khi tu học trên đất bạn cũng thường xuyên thay mặt Phật tử Việt Nam cúng dường chư Tăng Ni và làm từ thiện giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong đợt khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Sri Lanka.
4. Truyền trì mạng mạch Ni giới
Sau 1000 năm vắng bóng, Ni đoàn Nam tông đã được tái thành lập. Điều đó có nghĩa rằng, Ni đoàn Nam tông Việt Nam rất vinh dự và may mắn khi được sinh ra đúng vào thời điểm lịch sử quan trọng này. Tất nhiên, sứ mạng đặt trên vai những ‘Tu nữ’ ấy không hề nhỏ. Bởi lẽ, lãnh thọ giới pháp không chỉ cho riêng mình, mà đang gánh lấy một trách nhiệm cao cả là nối truyền mạng mạch chư Ni Nguyên thủy từ đảo quốc Sư Tử trở về thành lập Ni đoàn tại Việt Nam. Với ý nghĩ đó, năm 2012, chư Ni dẫn đầu Hệ phái Nam tông Việt Nam đã tổ chức Giới đàn Tỳ-kheo-ni và Sa-di-ni tại chùa Kiều Đàm Di Việt Nam ở Vesali, Ấn Độ để giúp cho các Tu nữ Việt Nam được thọ giới.
Từ đó mỗi năm, hệ phái đều đưa hoặc gửi Giới tử sang Ấn Độ hoặc Sri Lanka thọ giới Tỳ-kheo-ni trong điều kiện chưa thể tổ chức Giới đàn ở Việt Nam. Do vậy, “Tăng tịch” của Ni đoàn Nguyên thủy được sự chứng nhận của Tăng già Quốc tế, khác với Ni đoàn Khất sĩ và Bắc tông. Bởi lẽ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn chưa chính thức công nhận giới phẩm Tỳ-kheo-ni và Sa-di-ni của Nam tông. Điều này được ghi nhận tại Giới đàn Sa-di-ni năm 2019 do chùa Huyền Không tổ chức. Chứng điệp thọ giới của các giới tử bấy giờ chỉ được cấp giấy chứng nhận Tu nữ mặc dầu nằm trong khuôn khổ Đại Giới đàn Trí Thủ của GHPGVN tỉnh Thừa Thiên – Huế. Căn cứ trên quy định của Ban Tăng sự, Hệ phái Nam tông chỉ có ‘Tu nữ’ mà không có các giới phẩm khác. Trong sự thiệt thòi này, Ni giới Nam tông cũng may mắn có những bậc Thầy hết mực đồng cảm và thương tưởng đến hàng Ni chúng. Tình thương đó đã được tái hiện trong tác phẩm “Con gái Đức Phật8” của Ngài Tỳ-khưu Giới Đức (Sīlaguṇo-bhikkhu) – (bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh). Bên cạnh sự hành trạng thù thắng nổi bật của chư Thánh Ni & những Thánh nữ đặc biệt, khả kính thì góc khuất mà người viết cảm nhận trong tác phẩm chính là một tình thương lớn, dành chung cho tất cả thân phận nữ giới, bao gồm cả Ni giới. Gợi ý của đầu sách như cách để Ni đoàn cần tìm lại giá trị giải thoát của chính mình như Ni đoàn Nguyên thủy đã từng làm trong quá khứ. Trọng trách đó cũng không ngoại trừ Ni đoàn Nguyên thủy đang được tái lập diện mạo trở lại trong hơn 20 năm nay.
Hiện nay tại Việt Nam, Ni đoàn Nam tông có khoảng 30 Tỳ-kheo-ni và trên dưới 100 Sa-di-ni. Dù số lượng khá khiêm tốn nhưng hứa hẹn sẽ mang lại một sắc màu mới cho Phật giáo Việt Nam nói riêng và góp phần vào giá trị truyền thống của Ni giới Nguyên thủy trên Quốc tế nói chung. Hy vọng không xa, Giáo hội sẽ công nhận các giới phẩm Tỳ-kheo-ni và Sa-di-ni trong Hệ phái Nam tông để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chánh đáng của những người nữ xuất gia trong Hệ phái. Qua đó, chư Ni cùng nhau làm sống lại tinh thần tu học Nguyên thủy cho chư Ni Việt Nam và chư Ni thế giới. Đồng thời, cố gắng hơn nữa để chuyển tải thông điệp tu học một cách mạnh mẽ, xứng đáng là một hệ phái gốc.
Kết luận
Có mặt vào những năm đầu thế kỷ XXI (2002) trong danh nghĩa của những Tỳ-kheo-ni thuộc hệ phái Phật giáo Nguyên thủy, Ni giới Phật giáo Nam tông Việt Nam đã ngầm khẳng định vai trò và trách nhiệm nặng nề khi được thọ nhận trong mình màu sắc, giáo pháp Nguyên thủy được lãnh thọ từ đảo quốc Tích Lan. Lịch sử đã trao cho chư Ni một vai trò và trách nhiệm không hề nhỏ. Dù chưa được thừa nhận như một hệ phái chính thống nhưng rõ ràng Giáo hội vẫn bảo bọc và cơ cấu chư Ni vào các hoạt động Phật sự như các anh chị em trong cùng một mái nhà chung của Phật giáo. Hy vọng, đây cũng là dấu hiệu để chư Ni Nam tông Kinh ở Việt Nam có những bước tiến dài hơn, sâu hơn trong việc lan tỏa, truyền bá và kết nối chư Ni các hệ phái trong cộng đồng Phật giáo năm Châu. Đặc biệt, thực hiện sứ mạng truyền trì mạng mạch Ni lưu Nguyên thủy. Thông qua mối liên hữu này có thể chiêm nghiệm được rằng: Hình hài giáo pháp của Ni đoàn Nam tông Việt Nam vốn không phải hệ phái nội sinh, truyền thụ nhưng nó đã góp phần khẳng định và làm sống dậy lời dạy xưa của Phật Tổ. Ở đó: Phật không ngăn cách trong màu da, sắc áo; không đặt điều ngoại lệ vì sự ngăn trở không gian, vị trí địa lý; nơi nào có sự tu tập, có hướng thiện, hướng thượng thì nơi đó, con người có đủ bản thể của Như Lai. Nhờ đó, giáo pháp của Phật đã được hội tụ tại Việt Nam và làm cho Ni đoàn Phật giáo Việt Nam đa sắc màu hơn trong khối bạn bè liên hữu quốc tế.
NS. TS. Như Nguyệt (DSHD-113)
Thích Quảng Nhã diễn đọc
- Theo lời của Sư ni Liễu Pháp, ngày 08/6/2022.
- Thích Minh Châu, “Đức Phật của chúng ta, Phụ lục – b. Thư của Đại đức Thích Minh Châu ở Ấn Độ gởi thăm Phật tử Việt Nam trong dịp kỷ niệm Đức Phật xuất gia 08/2 năm Nhâm Dần”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2005, tr. 328.
- Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn, “Chư Tôn Thiền đức & Cư sĩ Hữu công Phật giáo Thuận Hóa – Tập 2”, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr. 480.
- Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn, “Chư Tôn Thiền đức & Cư sĩ Hữu công Phật giáo Thuận Hóa – Tập 2”, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr. 479.
- Theo lời của Ni sư Liễu Pháp, ngày 08/6/2022.
- Theo lời của Ni sư Liễu Pháp, ngày 08/6/2022.
- Trần Quang Thuận, “Phật giáo Tích Lan”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008, tr. 82.
- Minh Đức Triều Tâm Ảnh, “Con gái Đức Phật, Lời Thưa”, Nxb. Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr. 8.