CTV. Hoa Đàm: Tại sao Cô chọn thi vào Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM mà không phải là các Học viện tại các thành phố khác như Hà Nội, Huế? Điều gì ở ngôi trường này đã thu hút Cô thế ạ?
Ni sinh Thích Nữ Trung Thiện:
– Sở dĩ chúng con chọn thi vào Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM mà không phải là các Học viện khác như Hà Nội hoặc Huế là vì: thứ nhất là sự cách trở về địa lý. Đới với các Học viện ở miền ngoài, chúng con đi lại rất phức tạp, nếu không muốn nói thì đó là sự tốn kém. Thứ hai là sự khác biệt về giọng nói. Chúng con sợ rằng nơi đất lạ người chưa quen, mà với những giọng nói khác lạ như thế thì con rất ái ngại trong việc tiếp xúc trong môi trường sống chung tu học ấy. Thứ ba đó là do ở Học viện PGVN tại TP. HCM này có nhiều giáo thọ Idol của con giảng dạy nơi đây. Bên cạnh đó, con đã từ lâu theo dõi và tìm hiểu về môi trường tu học ở trong Nội viện. Những hình ảnh đồng phục trang nghiêm, bước đi khoan thai trên con đường đến giảng đường, hoặc Trai đường, hoặc lên chánh điện tụng kinh. Tất cả những khung cảnh đó con đều rất ấn tượng và ngưỡng mộ. Con cũng đã thầm ước mơ từ lâu được cùng học cùng tu trong những môi trường trang nghiêm thanh tịnh như thế. Điều đặc biệt mà Học viện PGVN tại TP. HCM đã thu hút chúng con là có rất nhiều các vị giáo thọ với thâm niên cao, kinh nghiệm truyền dạy dày dặn. Bên cạnh đó, điều làm con thích nhất chính là Thư viện Trí Quảng với mấy chục ngàn đầu sách, đầy đủ những tư liệu để hỗ trợ cho việc tìm hiểu kinh điển. Và chúng con cũng cảm thấy tự hào về nơi mình tu học này có một thư viện hiện đại và tân tiến đến vậy. Không gian yên tĩnh, thoáng mát, rộng rãi và sạch đẹp, con vô cùng yêu thích nơi đây vì tất cả mọi sự tốt lành đều hiện hữu trong môi trường tu học này.
CTV. Hoa Đàm: Hiện nay khá đông Tăng Ni đang có xu hướng theo đuổi các trường Đại học bên ngoài, xin hỏi với một người có đủ tiềm năng để tiếp bước tri thức bên ngoài như Cô (Cử nhân Tài năng trường Đại học KHXH & NV) thì lí do và động lực nào khiến Cô hướng về nền giáo dục Phật học? Cô đã chuẩn bị như thế nào khi tiến bước kỳ thi tuyển?
Ni sinh Thích Nữ Huệ Giác:
– Dạ may mắn trở thành một Sinh viên Cử nhân tài năng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, con được học nhiều kiến thức vô cùng bổ ích, đặc biệt là được rèn luyện về phương pháp nghiên cứu, thuyết trình trong một môi trường năng động, khai phóng và đa văn hóa bởi ngôi trường này cũng chính là Viện Nghiên cứu. Điều này đã khiến cho con trở nên tự tin và dạn dĩ hơn khi đứng trước công chúng hay thuyết trình hội thảo khoa học.
Thế nhưng, là một Ni sinh theo học Đại học bên ngoài, con nhận thấy kiến thức nội điển của con còn nhiều thiếu sót. Đức Phật có dạy thuyết Ngũ Minh tức năm kiến thức cần phải có, phải hiểu biết của một người tu sĩ mang tâm nguyện hoằng pháp. Trong đó, có Công Xảo Minh và Nội Minh là điều con đặc biệt quan tâm. Công Xảo Minh là những kiến thức bên ngoài thế học. Còn Nội Minh là am hiểu Kinh – Luật – Luận. Cả hai đều cần phải có để bổ trợ cho nhau. Từ lẽ đó, con mong muốn hướng đến một nền giáo dục Phật giáo để trau giồi nội điển. Nơi con hướng đến chính là Học viện PGVN tại TP.HCM.
Đến năm 2019 con bắt đầu tìm hiểu trường Đại học Phật giáo, đó cũng là lúc con trở thành sinh viên năm nhất của ĐH KHXH và NV. Dù học đại học bên ngoài, nhưng từ đó đến nay con luôn dõi theo những dấu mốc thời gian, sự kiện của Học viện Phật giáo.
Con nhận thấy Học viện PGVN tại TP.HCM là một môi trường tuyệt vời cho con hướng đến để tu học, trau giồi nội điển. Bởi con nhận thấy nơi đây là môi trường rất tốt:
Thứ nhất, song hành cả “phước – huệ” song tu, trọn vẹn tất cả yếu tố vừa học, vừa tu, vừa công quả với các thời khóa công phu, sám hối, tụng giới,… đều đặn miên mật, rõ ràng.
Thứ hai, đội ngũ Giáo thọ, Giảng viên là chư Tôn đức hoặc Giảng viên đại học có thâm niên cao, dày dặn kinh nghiệm truyền đạt giáo lý, kiến thức.
Thứ ba, chúng con luôn được sự giám sát, quan tâm của quý Ngài từng li, từng tí cả oai nghi, giới luật để dần hoàn thiện hơn về phong thái, nhân cách đạo đức.
Thứ tư, môi trường nơi đây khép kín, không ồn ào, thích hợp với việc tu, học và nghiên cứu. Đặc biệt, điều con tâm đắc nhất là Thư viện Trí Quảng vừa đi vào hoạt động với kho tàng tri thức khổng lồ gồm có: 335.381 sách điện tử, 134.813 Tạp chí điện tử và trên 51.000 đầu sách hay, rất thích hợp cho việc nghiên cứu và trau giồi kiến thức.
Như thế, với những kiến thức, phương pháp nghiên cứu con đã được rèn luyện từ Trường ĐH KHXH và NV, chắc chắn sẽ là một nền tảng tuyệt vời để con áp dụng vào việc nghiên cứu, đào sâu giáo lý nội điển để lấy đó làm việc học pháp và hành pháp cho trọn vẹn. Con thiết nghĩ, thời nay, khi xu thế hội nhập ngày càng phát triển, kiến thức đạo và đời đều quan trọng, cần bổ trợ cho nhau thì Phật giáo mới theo kịp thời đại. Vì những lẽ đó, con quyết tâm hướng về nền giáo dục Phật giáo.
Kỳ thi tuyển sinh của Học viện PGVN tại TP.HCM diễn ra trong mùa An cư kiết Hạ và giữa lúc con đang thi cuối kỳ của đại học bên ngoài nên với con có nhiều chật vật về điều kiện thời gian. Nhưng với sự quyết tâm được vào môi trường Học viện Phật giáo mà con hằng mơ ước, cho nên con luôn cố gắng vượt qua sự mệt mỏi của thân, thúc đẩy ý chí của tâm để trau giồi kiến thức cho vững để đạt được kết quả mong muốn, được trở thành học viên của Học viện Phật giáo Việt Nam. Có một điều con cảm thấy may mắn và vô cùng biết ơn, vì khi ôn thi cho kỳ tuyển sinh Học viện Phật giáo là lúc con đang An cư kiết Hạ tại Pháp Võ Cổ Tự (Nhà Bè), Nhị vị Ni trưởng nơi đây luôn tạo điều kiện về thời gian, tinh thần và sức khỏe để cho con ôn thi, tu học. Con nhớ mãi một câu nói của Ni trưởng Thích Nữ Như Thủy (Pháp Võ Cổ Tự): “Đào tạo Ni tài là tương lai Phật giáo”. Vì thế, con vừa thi tốt chương trình đại học bên ngoài và làm bài tốt kỳ thi tuyển sinh học viện khóa 19 này.
Sẽ thật hạnh phúc vô cùng nếu con được trở thành Ni sinh khóa 19 của Học viện PGVN tại TP.HCM. Con sẽ tận dụng nguồn tài nguyên của Thư viện Trí Quảng cho việc nghiên cứu, trau giồi kiến thức. Cùng học hỏi, tham vấn các vị giáo thọ, quý thầy, cô đi trước. Con nguyện được sống trong một môi trường khép kín để thúc liễm thân tâm, trau giồi giới – định – tuệ, xứng đáng với tâm huyết giảng dạy, quan tâm của chư Tôn đức Học viện Phật giáo Việt Nam đối với chúng con.
CTV. Hoa Đàm: Cô cảm nhận như thế nào về đề thi năm nay? Cô làm được bao nhiêu phần trăm bài thi theo đánh giá của mình? Nếu được trúng tuyển vào kỳ thi năm nay thì Cô có suy nghĩ gì về việc sẽ bước vào môi trường nội trú, vì đây là môi trường tu học gần như khép kín?
Ni sinh Thích Nữ Huệ Tịnh:
– Hạnh phúc thay! Khi con được tham gia kỳ thi tuyển sinh cử nhân Phật học khóa 19 vào ngày 14 tháng 7 năm 2024. Chúng con thi với tinh thần thoải mái. Do trước một ngày thi chúng con được quý thầy cô quan tâm, tận tình lo lắng từ tinh thần (chia sẻ cách làm bài, lời nói động viên) và vật chất (lo thức ăn, nước uống và chỗ nghỉ) đều rất tận tâm.
Môn thi buổi sáng hôm nay là Phật học và Anh văn buổi chiều là Văn học. Việc phân bố thời gian thi con thấy rất hợp lý, giúp cho con không bị áp lực thi. Khi nhìn thấy đề thi môn Phật học, Anh văn và Văn học con cảm thấy đề rất dễ hiểu và vừa sức làm. Như đúng lời quý thầy đã nói là nếu ai học trung cấp nghiêm túc thì làm rất dễ và chắc chắn đậu. Theo con tự đánh giá, mức độ hoàn thành bài thi của mình sẽ đạt khoảng 70% số điểm. Nếu được trúng tuyển vào kỳ thi năm nay, con sẽ thực hiện được ước mơ khi bước vào ngôi trường Học viện tu học. Theo Luật tạng: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật diệt thì Phật pháp diệt.” Lời tuyên bố này không chủ đích thể hiện sự khinh trọng giữa kinh và luật, mà nhấn mạnh đến sự hành trì. Khi nào người đệ tử Phật còn ứng dụng hành trì theo lời Phật dạy thì Phật pháp còn tồn tại. Vì hiểu điều đó nên con muốn vào học môi trường nội trú Học viện. Tuy khép kín nhưng nó là môi trường để kiềm chế những hành vi, lời nói, ý nghĩ của con không bị vô minh chi phối từ đó tôi luyện cho bản thân và hun đúc con trau giồi tam vô lậu học. Khi đứng trước sự mê hoặc giả tạm của thế gian, con vẫn vững bước, tâm không xao động và nhận thức rõ trước sự việc và tác ý. Con sẽ sống trong sự hoan hỷ, không phiền não, hạnh phúc đúng chánh pháp. Nhờ đó con sẽ thấy an lạc và dễ dàng tiến bộ vững bước trên con đường tu tập.
PV . Thùy Trang (ĐSHĐ-131)