Với vị trí gia đình là tế bào của xã hội, gia đình là cái gốc của con người, cội nguồn của mọi tình cảm. Gia đình còn có yếu tố quyết định trong việc hình thành nhân cách của trẻ em – thế hệ tương lai của Tổ quốc. Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển nền kinh tế thị trường trong sự quản lý của Nhà nước, bên cạnh những mặt tích cực có một số hiện tượng còn hạn chế tác động vào xã hội, nhất là lối sống vị kỷ tôn thờ đồng tiền, không quan tâm đến con cái đã và đang tác động vào gia đình, đe dọa sự bền vững của gia đình. Theo quyết định số 72/2001/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 28/6 là Ngày Gia đình Việt Nam, qua đó hướng các mối quan tâm tới gia đình, để xây dựng một gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ và hạnh phúc. Để thực hiện được những điều trên thì vai trò của các thành viên trong gia đình mà nhất là vai trò của người cha có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ngày Gia đình Việt Nam kêu gọi những người cha trong gia đình cần nêu cao ý thức trách nhiệm giáo dục con cái, bảo vệ hạnh phúc gia đình, định hướng cho con cái bước vào đời để trở thành những người có ích cho xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, đang có nhiều thách thức lớn trong việc xây dựng gia đình Việt Nam như sự thâm nhập của tệ nạn xã hội, sự lỏng lẻo trong các mối quan hệ gia đình, ngược đãi phụ nữ, trẻ em, tình trạng ly hôn khiến trẻ em rời bỏ mái ấm gia đình đi lang thang kiếm sống, bơ vơ trước bao nhiêu cạm bẫy. Mặt khác, một số bậc cha mẹ vì quá nuông chiều con, đáp ứng vô điều kiện những đòi hỏi không chính đáng nên đẩy con cái đến chỗ hư hỏng làm ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình và sự bền vững của xã hội. Là tế bào của xã hội, gia đình là mái ấm cho sự phát triển của mọi thành viên. Trong gia đình, nhiều giá trị truyền thống cần được phát huy, một số tập tục lạc hậu bỏ dần, sao cho gia đình vừa duy trì được bản sắc dân tộc, vừa tiếp thu được những cái hay cái đẹp của thời đại. Muốn được như vậy, đòi hỏi các thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm với nhau, thương yêu giúp đỡ nhau, người cha như một tấm gương sáng cho con cái học tập, trách nhiệm giáo dục con cái hướng tới giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Ngược lại, con cái luôn hiếu thảo, chăm ngoan, làm những điều tốt đẹp để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ:
Cha mẹ đẻ nuôi mới sống mà
Phải thương, phải tưởng đến ông bà
Làm người hiếu nghĩa suy nguồn cội
Có mẹ, có cha mới có ta.
Cha mẹ cần thiết lập mối quan hệ thân thiện, gần gũi sao cho con cái luôn tìm thấy ở cha mẹ chỗ dựa vững chắc, cần sự công bằng trong đối xử và khách quan trong đánh giá về năng lực, hành vi của con cái. Quan tâm việc phối hợp chặt chẽ giáo dục trẻ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, ngăn chặn trẻ em vi phạm pháp luật, tránh bị lôi kéo vào con đường ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS. Các cấp Đảng Ủy, chính quyền đoàn thể, các tổ chức xã hội cần tạo dư luận mạnh mẽ, huy động sức mạnh của toàn cộng đồng quan tâm tới vấn đề gia đình và trẻ em. Những gia đình gương mẫu cần được tôn vinh khen thưởng, lên án những thái độ vô trách nhiệm giữa gia đình và con cái. Bên cạnh đó, Thành phố quan tâm việc thực hiện hiệu quả hơn công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình, chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, phòng chống các tệ nạn xã hội – thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Từ cái nôi gia đình sẽ là xuất phát điểm cho những giá trị tốt đẹp của mỗi con người, đóng góp vào nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước. Việc xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ không chỉ là trách nhiệm của người cha mà là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình và toàn thể xã hội, như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Xã hội tốt thì gia đình tốt, gia đình tốt thì xã hội tốt”.
Mai Chi (ĐSHĐ-059)