Sốt xuất huyết (SXH) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus Dengue gây ra và lây truyền qua muỗi vằn Aedes aegypti. Bệnh thường gia tăng vào mùa xuân và mùa mưa khi điều kiện thời tiết ấm áp, độ ẩm cao tạo thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển. Là Ni sinh sống và học tập trong môi trường tập thể như Học viện Phật giáo (tại TP.HCM), việc nâng cao ý thức phòng ngừa SXH không chỉ bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn góp phần đảm bảo an toàn cho cả cộng đồng.
1. Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh SXH
Muỗi vằn Aedes aegypti là trung gian truyền virus Dengue. Chúng thường hoạt động vào ban ngày và đẻ trứng ở các khu vực nước đọng như chum vại, bể nước, lá cây đọng nước hoặc các vật dụng không được vệ sinh thường xuyên.
Biểu hiện của SXH bao gồm:
– Sốt cao đột ngột, kéo dài từ 2-7 ngày.
– Đau đầu dữ dội, nhức hốc mắt, đau cơ khớp.
– Phát ban trên da, chảy máu chân răng, chảy máu cam.
– Trường hợp nặng có thể dẫn đến xuất huyết nội, sốc và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Các biện pháp phòng ngừa SXH
Phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe. Ni sinh có thể thực hiện các biện pháp sau:
a) Hạn chế muỗi sinh sản và lăng quăng phát triển:
– Đậy kín nắp các dụng cụ chứa nước như bể nước, chum, vại để muỗi không có nơi đẻ trứng.
– Thay nước bình hoa cúng Phật, trong các lớp học mỗi tuần.
– Thu gom rác thải, lá cây đọng nước trong khuôn viên Học viện và xung quanh nơi ở.
– Phối hợp với Học viện xử lý môi trường, ngăn ngừa muỗi phát triển thông qua các biện pháp an toàn.
b) Phòng tránh muỗi đốt:
– Ngủ màn cả ngày và đêm, kể cả khi nghỉ trưa.
– Mặc quần áo dài tay, sáng màu để hạn chế muỗi đốt.
– Sử dụng các phương pháp tự nhiên như tinh dầu sả, nhang trừ muỗi từ thảo dược hoặc các biện pháp an toàn khác.
c) Vệ sinh môi trường sống:
– Duy trì vệ sinh sạch sẽ phòng học, khu nội trú và khuôn viên chùa.
– Dọn dẹp các vật dụng có khả năng đọng nước như lon, chai lọ, lốp xe cũ.
– Phối hợp với Học viện và các huynh đệ cùng thực hiện “Ngày Chủ nhật xanh” để tổng vệ sinh môi trường.
3. Vai trò của Ni sinh trong phòng chống dịch SXH
Là người tu học Phật pháp, Ni sinh cần tự ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, xem đó như một phần của giới luật và sự tu tập. Đồng thời, tinh thần từ bi và trách nhiệm còn được thể hiện qua việc tuyên truyền kiến thức phòng bệnh đến huynh đệ, gia đình và Phật tử:
– Hướng dẫn mọi người thực hiện các biện pháp hạn chế muỗi và lăng quăng sinh sản.
– Vận động cộng đồng giữ vệ sinh môi trường sống sạch đẹp.
– Tạo thói quen ngủ màn và xức thuốc chống muỗi khi tham gia các hoạt động ngoài trời.
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu chúng ta nâng cao ý thức và hành động cụ thể. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là điều mà mỗi Ni sinh cần ghi nhớ và thực hiện để bảo vệ bản thân, huynh đệ và cộng đồng xung quanh. Sự chung tay của mỗi người sẽ góp phần tạo nên một môi trường tu học an toàn, lành mạnh và bền vững.
Như Giác (ĐSHĐ-136)