Câu chuyện về đêm giao thừa

Đó là một ngày đặc biệt của nhiều năm về trước – cái ngày chứa nhiều cung bậc cảm xúc đối với Tiểu Thanh và Tiểu Hoa. Đó là ngày 30 Tết chuẩn bị đón giao thừa, đánh dấu khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ sang một năm mới. Ngôi chùa tên là Sắc Tứ Tam Bảo, còn gọi tắt là chùa Tam Bảo, nằm ngay trung tâm thành phố Hà Tiên, là nơi thí điểm của thành phố tổ chức văn nghệ của các buổi lễ lớn, các sự kiện như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan,… Vào những ngày Tết, người dân Hà Tiên dù ai đi đâu, về đâu cũng sẽ đến chùa Tam Bảo đón giao thừa, thắp nhang, lễ Phật cầu bình an, sức khỏe, công việc thuận xuôi rồi mới đi chơi, đi du lịch,… Điều này được lặp đi lặp lại suốt mấy thập kỷ nay rồi.

Hôm nay là một ngày đặc biệt, nên từ sáng sớm, Phật tử đã đến chùa đông đúc để phụ giúp gói bánh tét. Người thì xào nếp, người thì làm nhân, người thì xếp lá,… để cho kịp luộc bánh cúng đêm Giao thừa tối nay. Tiếng cười nói xôn xao, rộn rã làm ngôi chùa thêm nhiều sinh khí, vui tươi. Hòa vào không khí đó, những cô Tiểu nhỏ gồm 4 người huynh đệ theo thứ tự từ lớn tới nhỏ có: Tiểu Thanh, Tiểu Hoa, Tiểu Ánh và Tiểu Hiền, vì còn nhỏ cho nên, cứ nghe ở đâu mà vui cười là thích dữ lắm. Các em ngồi kể nhau nghe những câu chuyện vào ngày Tết của những năm trước đã qua một cách sôi nổi, rồi ngồi cười hí hửng, tít mắt.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói cho đến khi các cô Tiểu bàn đến “ý nghĩa của bánh tét”. Tiểu Thanh là chị cả nên nói trước:

– Chị đã từng nghe ông ngoại kể rằng ngày Tết ăn bánh tét để tưởng nhớ đến những người xưa. Người đã mở mang bờ cõi, những ông cha góp nên đất nước hôm nay cũng như Tổ tiên của tụi mình.

Đợi chị nói xong, Tiểu Hoa nhanh nhảu tiếp lời:
– Em thì nghe bà nội hay dạy là bánh tét của ngày Tết ngày xưa có tên là “bánh Tết” có ý nghĩa cho mọi người thấy được màu xanh của đồng quê, để gợi đến niềm mơ ước “an cư lạc nghiệp” của một mùa xuân an bình cho mọi nhà.

– Đúng là trẻ con, chỉ có như thế mà cả hai bắt đầu có những lời tranh cãi “em đúng” với “chị đúng hơn”. Lời qua tiếng lại nên Tiểu Thanh và Tiểu Hoa giận nhau suốt cả ngày hôm đó.

Đến 4 giờ chiều thì bánh đã gói xong, mọi người tản ra ai về nhà nấy để chuẩn bị tối vào chùa sám hối rồi rước ông bà. Sau thời sám hối cuối năm vào 8 giờ tối thì Sư phụ dặn bốn cô Tiểu cùng nhau ra ngồi canh nồi bánh, chuẩn bị vớt bánh phụ Sư chú Thiện để kịp đem bánh lên cúng giao thừa.

Nồi bánh sôi ùng ục trên bếp lửa đỏ rực nhen nhóm ít khói và những tàn lửa nhỏ bay lên đẹp mắt khi củi được đưa vào bếp. Sư chú lên tiếng:


– Các con biết không, giây phút luộc bánh tét là lúc những người thân yêu, huynh đệ của mình ngồi lại với nhau để chia sẻ, nói ra lòng mình với những chuyện vui, buồn hay những gì còn uẩn khuất trong lòng để đưa đến sự an lạc, hạnh phúc và hòa hợp. Sư chú thấy Tiểu Thanh với Tiểu Hoa giận nhau phải không? Nào! Các con nói ra để Sư chú xử lý cho nè.
Là chị cả nên Tiểu Thanh nói trước:

– Dạ thưa Sư chú, chuyện là con có nghe ông ngoại con nói bánh tét có ý nghĩa cho ta nhớ lại những người đi trước, Tổ tiên của mình mà em Hoa hổng có chịu nghe con.

Tiểu Hoa ấm ức lên tiếng:

– Dạ thưa Sư chú, hồi đó con có nghe bà ngoại con nói bánh tét có tên là “bánh Tết” có ý nghĩa ước mơ cuộc sống “an cư lạc nghiệp” hạnh phúc mà chị Thanh hổng đồng ý thưa Sư chú, chị nói con nói sai nữa.

Sư chú mỉm cười, nhẹ nhàng nói:

– Hai con nè, ai cũng cho rằng mình đúng, ai cũng có “cái tôi” lớn hết. Thay vì cho rằng mình đúng, sao các con không ngồi lại cùng lắng nghe nhau, cùng nhau suy nghĩ một cách toàn diện hơn để cho rằng cả hai đều đúng, đều góp nên ý nghĩa hoàn chỉnh của bánh tét hả con. Các con có nhớ câu chuyện “Thầy bói xem voi” không nè. Một ông sờ chân voi thì cho rằng con voi giống cột đình, một ông sờ tai voi thì cho rằng nó giống cái quạt thóc, một ông khác sờ đuôi voi thì cho rằng con voi giống cái chổi xể cùn. Các con thấy đó, nếu các ông thầy bói mỗi người góp một ý từ các bộ phận của con voi lại thì có phải thành một con voi hoàn chỉnh không con. Các con giống như mấy ông thầy bói xem voi trong câu truyện này vậy. Các con phải có cách nhìn khách quan, toàn diện hơn, phải lắng nghe nhau nhiều hơn để mỗi người một ý rồi góp lại thành một “ý nghĩa của bánh tét” một cách toàn diện, đầy đủ thì hay biết mấy phải không con. Các con nghĩ xem, bánh tét có ý nghĩa khi ăn bánh này sẽ thương nhớ đến người xưa bao gồm Tổ tiên, những người anh hùng đã đổ xương máu của mình để bảo vệ Tổ quốc, mở mang bờ cõi, góp nên đất nước tươi đẹp mong muốn người dân an cư lạc nghiệp, sống trong hòa bình. Vì vậy, ngày nay khi ăn bánh tét phải biết ơn các vị, phải luôn biết yêu thương nhau, cùng nối tiếp tinh thần đó, biết mơ ước an cư lạc nghiệp, mong muốn sum vầy, ấm no thì hay biết mấy phải không các con.

– Các con biết không, người ta thường ví “Tôi sống 50 nồi bánh chưng”, hay “Tôi sống 50 nồi bánh tét”. Giống như Sư chú sống hơn 50 nồi bánh tét rồi nè. Thời gian vậy chứ một cái quay lưng nhìn lại hơn nửa đời người rồi con ạ. Cứ mỗi lần như vầy thì Sư chú mong các con phải biết mình sẽ già đi, đời người sống bao nhiêu nồi bánh tét đâu mà buồn giận nhau hả con. Mặt khác các con phải biết thương yêu nhau nhiều hơn giống như ý nghĩa của bánh tét nói đến sự nhớ ơn Thầy Tổ, ông bà, cha mẹ và sự sum vầy, hòa hợp cùng chung sống hạnh phúc, có ích biết không con. Rồi bây giờ hai đứa hết giận nhau chưa nè, đâu hai đưa ôm nhau một cái cho Sư chú xem cái coi.

Sư chú nói xong, cả Tiểu Thanh và Tiểu Hoa cùng tươi cười nhìn nhau, ôm nhau thắm thiết rồi mọi người bật cười giòn giã, không khí đã trở nên rộn rã trở lại. Ngồi canh nồi bánh tét sôi, ngọn lửa hồng phảng phất như reo hò vào không khí vui tươi này. Các cô Tiểu háo hức nói cười, lại tiếp tục kể nhau nghe những câu chuyện vui của mình, cả nhóm xôn xao, rối rít rồi cười nghiêng ngả. Nhưng không ai quên chụm củi vào bếp đều đặn cho đủ thời gian, đủ lửa để bánh ngon. Sư chú cũng cất tiếng:

 

– Bánh chín rồi các con ơi, chuẩn bị 10 phút nữa mình vớt bánh nha.
Sư chú vừa nói xong, bất chợt một tiếng “đùng… đùng… ” vang lên, Tiểu Ánh hét lớn:
– Pháo hoa, pháo hoa nổ kìa mấy chị ơi. Đẹp quá! Đẹp quá!

Cả nhóm hò hét, vui mừng xem bắn pháo hoa. Đồng hồ cũng điểm 11 giờ, pháo hoa ở đây thường bắn sớm để cho mọi người còn về đón ông bà cho kịp Giao thừa. Những tia sáng vụt lên cao rồi nổ thành hình bông hoa đầy màu sắc sáng lóa cả bầu trời như báo hiệu về những điều may mắn cho năm mới. Pháo hoa cũng bắn xong sau mười lăm phút, nhưng những cái đẹp đó dường như còn lưu đọng chưa tan biến trong đầu của các bé Tiểu. Sau đó, các em cùng Sư chú vớt bánh cho ráo để kịp cúng Giao thừa. Những cái bánh được vớt ra trong sự vui mừng của mọi người như một thành quả của sự đoàn kết, sự sum vầy làm nên. Và rồi, các đòn bánh sẽ được đem lên cúng Phật, cúng Tổ, cúng ông bà, đất đai và ngày mai sẽ có bánh để đãi khách. Và trong đầu các em vẫn còn văng vẳng lời dạy của Sư chú về ý nghĩa của bánh tét, để mọi người ăn vào nhớ đến Tổ tiên của mình, của những người đã nằm xuống để cho ta có cuộc sống thanh bình, được quyền mơ ước về cuộc sống đầy đủ, ấm no, an cư lạc nghiệp và hạnh phúc. Tiểu Thanh và Tiểu Hoa cùng nhìn nhau cười khi vớt từng chiếc bánh. Chắc hẳn rằng cả hai đều biết đối phương đang nghĩ gì. Có lẽ hai em sẽ không bao giờ quên đêm Giao thừa ngày hôm nay bởi sự giận dỗi của mình, của bài học về sự lắng nghe, của cái nhìn toàn diện cùng “ý nghĩa của bánh tét” qua lời dạy của Sư chú.

Cho đến nay, các em Tiểu đã lớn, mỗi cô đều đi học mỗi nơi khác nhau để thực hiện ước mơ, hạnh nguyện của mình. Và cuộc gặp gỡ đầy đủ các thành viên chỉ có thể là đêm giao thừa trong không khí Tết. Giờ đây, Cô Huệ Thanh và Huệ Hoa lại ngồi đó, lại kể cho các em của mình nghe về câu chuyện ngày hôm đó, vẫn không quên nói về “ý nghĩa của bánh tét”. Sau đó, cô Huệ Thanh lấy cảm hứng này làm thành một bài thơ đọc cho các huynh đệ cùng nghe:


Giao thừa trên mảnh đất thiêng
Hà Tiên tươi đẹp – bình yên tháng ngày
Có hai cô Tiểu mê say
Nói nhau nghe những tháng ngày đã qua
“Ý nghĩa bánh tét” thôi mà
Thế là giận dỗi, quay qua giận hờn
Ai cũng muốn mình đúng hơn
“Cái tôi” càng lớn càng hờn nhau thêm.
Để chuyện đi đến êm đềm
Sư chú giảng dạy bằng niềm thương yêu:
“Các con phải biết chắt chiu
Lấy nhiều ý kiến thành điều hay hơn
Lắng nghe, chớ có giận hờn
Ta phải sống tốt, biết ơn mọi người
Giao thừa khoảnh khắc xinh tươi
Phải luôn hòa hợp, nụ cười yêu thương
Bởi sau đi khắp nẻo đường
Lo cho sự học, chẳng thường gặp nhau.
Cuộc đời như giấc chiêm bao
Yêu thương không hết, giận hờn làm chi
Mở lòng nghe trọn từ bi
Bắt đầu năm mới điều gì cũng vui
Tu học thuận lợi êm xuôi
Đạt thành ý nguyện, đẩy lùi gian nan
Mai sau đi khắp thế gian
Làm nhiều lợi ích, gieo ngàn lợi tha
Điều buồn năm cũ cho qua
Giao thừa chuyển khắc cùng ta an bình”.
Lời thơ nói chút sự tình
Chị ngồi kể lại, chúng mình cùng nghe.

Huệ Giác (ĐSHĐ- Xuân Giáp Thìn)

SỰ KIỆN NỔI BẬT
VIDEO SỰ KIỆN
CÁC BÀI KHÁC
XEM THÊM
error: Content is protected !!