Nhóm Phật tử trẻ thấy Khương luận thuyết lưu loát, lấy làm phục lắm. Thu Cúc nghe thấy người bạn của mình phê bình Khương:”Anh ta khờ khạo, nhút nhát, cù lần lắm” thì cô cứ in trí như vậy nên có vẻ xem thường chàng nha sĩ này, nay biết sự thật trái ngược hẳn.
Nhưng Quyền không phải là người dễ thuyết phục. Ông tiếp tục theo ý ông:
– Người tu Thiền khi thấy cảnh lạ, hiện tượng lạ xuất hiện còn phải bác bỏ thông tin vì hễ tin thì lọt vào lưới ma. Đằng này, người theo phép quán tượng, quán tưởng niệm Phật lúc nào cũng tưởng tượng ra hình ảnh của Phật A Di Đà thì không khỏi có ngày gặp ma giả Phật, rồi đi sai đường, rơi vào tà đạo.
Khá công nhận:
– Anh nói đúng. Nhưng hai pháp tu trên thường là người có lợi căn một chút mới dám theo. Khi dụng công hàn trì luôn luôn phải tâm niệm rằng “vạn pháp duy tâm”, nghĩa là biết rằng cảnh ấy không thật có, chỉ từ tâm tưởng của mình hiện ra thôi. Đề cao cảnh giác như vậy thì dù ma giả dạng hiện ra cũng phải tan biến đi. Trên thực tế thì đa số đều theo pháp trì danh niệm Phật vì dễ dàng hơn và có thể dụng công bất cứ lúc nào, khi đi đứng, lúc nằm ngồi; ngay cả khi làm việc mà không cần sự cố gắng chú tâm vào công việc, cũng niệm Phật được.
Hằng có dịp xen vào:
– Tôi nhớ có đọc trong một quyển sách mà tôi quên tựa đề rồi, kể lại bước đường hoằng pháp độ sanh của Đức Phật Thích Ca. Một hôm, Ngài đi ngang qua một lò rèn, thấy anh thợ rèn đang làm việc cạnh một lò lửa đỏ nóng hừng hực, mồ hôi đổ như tắm. Anh cầm cái búa thật to, cố dùng hết sức mạnh đập vào thanh sắt đã được nung đỏ để làm dụng cụ gì đó. Mỗi lần đập xuống một nhát búa, anh lại la lên như để lấy sức mạnh, thành ra nơi ấy âm thanh chát chúa, chỏi tai khiến cho công việc của anh thêm nhọc nhằn. Phật khuyên anh mỗi lần hạ búa xuống, thay vì la hét như vậy, anh nên đọc hồng danh Đức Phật, do công đức niệm Phật, anh sẽ được Phật rước về cõi Tịnh Độ.
Bà Tư vốn là người hàng xóm của vợ chồng Khá. Bà không đủ sức để hiểu hết những gì mọi người đang thảo luận nãy giờ nhưng nghe Khá trình bày, bà sinh lòng tin tưởng Pháp môn niệm Phật. Bà rụt rè hỏi:
– Như tôi đang làm ở xưởng may. May theo lối dây chuyền, tôi chỉ ráp có một đường thôi thành ra dễ lắm, vậy trong lúc may tôi niệm Phật được không?
Hằng sốt sắng:
– Dạ, dĩ nhiên được rồi. Nhưng chắc phải niệm thầm chớ mình niệm ra tiếng, những người Mỹ làm chung họ không biết mình muốn cái gì.
Nghe Hằng nói, ai cũng bật cười rần. Không khí nhờ thế không còn căng thẳng vì sự tranh luận.
Tuyết cũng có vẻ “chịu” môn Tịnh Độ rồi, hỏi thêm cho rõ:
– Niệm Phật phải liên tục không gián đoạn mới mau được thuần nhất. Như tôi, ở sở thì bận rộn tiếp xúc với khách, về nhà mới có thể niệm được nhưng mà về nhà thì phải nấu cơm, kho cá, phải quét dọn lau chùi, lại còn vấn đề vệ sinh cá nhân… Những lúc đó mình niệm Phật được không?
Hằng vui vẻ:
– Tôi được biết Ấn Quang đại sư rất kỹ lưỡng về chuyện này. Ngài nói: “Ngoài những thời khóa ấn định để lễ Phật và lớn tiếng niệm Hồng danh A Di Đà thì trong bất cứ công việc nào, mình cũng thầm thầm niệm Phật được cả. Niệm thầm thôi, vì thí dụ như đang ở trong nhà tắm mà mình cứ lớn tiếng niệm Phật thì như vậy thiếu sự cung kính, nghiêm trang. Niệm thầm cũng có công đức không thua gì niệm lớn.
Bà Tư hỏi thêm:
– Tôi thấy nhiều người khi niệm Phật thì lần chuỗi. Vậy tôi nên sắm một xâu chuỗi không?
Hằng đáp một cách sốt sắng:
– Thầy tôi dạy rằng khi niệm Phật mà lần chuỗi thì dễ được “niệm chắc” và có thể ấn định số chuỗi hàng ngày không sợ biếng trễ. Còn niệm không, tâm dễ đi rong, sinh lười biếng hoặc được “niệm lép” thôi.
– Niệm chắc, niệm lép là sao?
– Cũng như lúa có hột chắc hột lép. Hột chắc thì lợi ích nhiều, vì có thể ăn hoặc làm giống giao trồng tạo ra cây lúa; hột lép chỉ toàn vỏ trấu, không nảy mầm thành cây được, cũng không ăn được. Niệm chắc là cả thân tâm đều quy hướng về Hồng danh A Di Đà, hòa hợp cùng pháp thân thanh tịnh của Phật vốn sẵn đủ nơi tâm của mình. Niệm như vậy thì tâm khế hội cùng chánh lý, không còn điên đảo phân biệt. Lúc lâm chung mà niệm được 10 câu chắc thật như vậy thì tức khắc vãng sanh Tịnh Độ.
Còn “niệm lép” hay tán tâm niệm Phật là miệng tuy niệm Phật mà tâm nghĩ tưởng buông lung không giữ nó lại một chỗ được.
Mới niệm Phật thì đa số chúng ta đều “niệm lép” cả nên rất cần xâu chuỗi nhưng mà lâu ngày dần dần trở nên thuần thục. Cho nên, “niệm lép” cũng có ích lợi của nó, như lúa lép hay trấu có thể dùng để chụm đốt thay củi, chừng thành tro rồi còn dùng làm phân bón nữa. Lúc đầu dù tán tâm niệm Phật, cứ tiếp tục hành trì, đừng nên thối chí nản lòng.
Lần chuỗi là phương tiện để cột thân tâm lại một chỗ, khi tâm thuần rồi thì chẳng nên dùng chuỗi nhiều vì lâu ngày gân tay bị động dễ sinh bệnh. Chỉ cần niệm niệm nối nhau không dứt là được.
Bác sĩ Nguyên còn ấm ức vì gốc thiền của ông rất mạnh. Ông lên tiếng:
– Nếu giữ cho niệm niệm nối nhau không dứt thì có khác chi người tu thiền tham thoại đầu. Một chữ “Vô” dán nơi trán hay một hồng danh Phật gắn liền trong tâm nào có khác gì nhau?
Khá xen vào, đáp:
– Khác chớ sao không? Tỉ như anh có chiếc xe, tôi cũng có chiếc xe, anh lên xe lái về hướng Đông, còn tôi lái chạy về phương Tây thì hai chúng ta sẽ đến hai chỗ khác nhau. Tu tịnh độ quan trọng và khác Thiền ở chữ Nguyện. Tin Phật, niệm Phật và nguyện vãng sanh Cực Lạc, cứ nhắm đích đó mà đi tới, bao nhiêu công đức đều hồi hướng vãng sanh Cực Lạc thì chắc chắn là được mãn nguyện.
Chương ngồi cạnh Nguyên nãy giờ chưa nói chi, giờ mới hỏi:
– Sao lạ vậy? Người niệm Phật liên tục như anh nói đó, nếu không nguyện sinh về Tây phương Tịnh Độ thì không được vãnh sinh. Vậy lòng từ bi của Đức Phật ở đâu? Anh căn cứ vào đâu mà nói như thế?
– Chẳng phải Phật không có lòng từ bi mà vì người ấy không muốn thì Phật đâu lôi kéo họ về Tây phương được. Nghiệp (hoặc nôm na nói là số phận) của chúng sanh đều do mình tự chiêu cảm, không ai có thể giúp được. Tôi nhớ, một người bạn đã hỏi bổn sư tôi như thế này:” Trong kinh nói có hằng hà sa số Phật, mỗi Đức Phật đều có một quốc độ trang nghiêm thù thắng, sao chư Phật không đem hết chúng sanh về cõi nước của mình để không còn ai khổ nữa?”
Thầy tôi đáp: “Tỉ như có người đó tối ngày nhậu nhẹt say sưa, trộm cắp, cờ bạc, đến nỗi cứ vào tù ra khám hoài, thầy thương xót anh ta, tới kêu người ấy vào chùa ở với thầy thì được yên vui, người đó chịu không? Chắc chắn là không rồi, vì anh ta cho rằng ở chùa đâu vui vẻ gì, tối ngày cứ nghe pháp tụng kinh hoài, chán chết. Anh cứ chạy tìm thịt cầy, rượu đế và các lá bài đen đỏ vì đối với anh, những thứ ấy đầy quyến rũ, chúng thu hút anh một cách mãnh liệt, thành ra đâu ai cứu anh được. Chừng nào anh thức tỉnh ăn năn, muốn cải tà quy chánh và nguyện tạo dựng một đời sống bình yên tươi sáng hơn thì thầy mới giúp anh được. Đức Phật cũng vậy, tuy ngoài có lòng từ bi vô lượng mà chúng sanh cứ ngoảnh mặt làm ngơ hoặc đôi khi cũng tu mà tu lấy lệ, tu qua loa thì nghiệp cũ của họ còn lẫy lừng, họ lại không quyết tâm về Cực Lạc thì đâu Phật nào cứu họ được. Chỉ kẻ nào biết vận dụng ý chí, dùng tâm nguyện chiến thắng nghiệp lực thì khi ấy lòng từ bi của Đức Phật mới có tác dụng và Phật mới cứu họ được.
Khương rót thêm nước cho mọi người, anh trở lại chỗ ngồi rồi tiếp lời cha:
– Phật chỉ độ được những người hữu duyên, cho nên, xét trong 48 lời nguyện của Pháp Tạng Tỳ kheo là tiền thân của Đức Phật A Di Đà thì người tu Pháp môn Tịnh Độ cần hội đủ ba yếu tố: tín, hạnh, nguyện. Tín là một lòng tin tưởng Phật A Di Đà và cõi Tịnh Độ của Ngài, hạnh là hết lòng niệm Phật hoặc quán tưởng Ngài, tức là tạo duyên thân cận với Đức Phật và nguyện là phát tâm muốn được vãng sinh về cõi Cực Lạc phương Tây, dù cho công đức tu hành có thể được về cõi trời hay được trở lại chốn nhân gian làm vua cũng không ham. Tin sâu, hành vững, nguyện thiết thì thành tựu.
Thu Cúc nhìn Khương hỏi:
– Tôi không hiểu tại sao phàm phu chúng ta nghiệp chướng sâu dày mà niệm Phật trong một thời gian ngắn cũng có thể vãng sanh, thoát ly sinh tử. Trong Cao Tăng truyện, các vị ấy đâu chỉ tu trong một đời mà đắc đạo…
Khương cười, sốt sắng giải thích:
– Một hạt cát nhỏ bỏ xuống nước thì chìm nhưng tảng đá to để trên thuyền vẫn có thể đem qua sông qua biển. Chiếc thuyền ví như lòng từ bi của chư Phật. Với lòng từ bi rộng lớn và nguyện lực thâm sâu, Đức A Di Đà sẵn sàng tiếp dẫn những người tuy trót tạo nghiệp tội nặng nhưng quyết tâm cải tà quy chánh, quyết lòng mong về cõi Tịnh Độ. Lên đó rồi thì được làm bạn cùng Thánh chúng, an vui tu tập, dần dần cũng chuyển phàm thành thánh.
Thúy có vẻ như đã nghiêng hẳn về Pháp môn Tịnh Độ, cô phát biểu:
– Được về cõi Tịnh Độ mà tu thì cứ đi lên mãi, không sợ sa rớt hay lui sụt. Ở trần gian này, dù làm một Đại tăng cũng chưa bảo đảm, tại vì chung quanh có nhiều cám dỗ quá! Đến như Quốc sư Ngộ Đạt, đã mười kiếp tu hành thanh tịnh rồi, vậy mà khi ngồi trên pháp tòa làm bằng gỗ trầm trước sự cung kính của vua quan bỗng khởi một niệm cống cao ngã mạn làm hư cả sự nghiệp tu hành, thật là uổng.
Tuyết vừa giơ tay vừa hỏi:
– Sao tôi nghe nói pháp tu niệm Phật chỉ thích hợp với những ông già bà cả hoặc những người quê mùa không biết gì hết, chỉ nhờ lòng tin mà vào thôi?
Khá giải thích:
– Như nãy giờ chúng ta đã phân tích, Pháp môn niệm Phật không phải là một pháp tu tầm thường đâu. Tại thấy dễ quá rồi ai cũng coi thường hoặc là không tin nổi.
Tổ thứ 13 của Pháp môn Tịnh Độ, đại sư Ấn Quang nói rằng: “Người niệm Phật, như giữ được tâm niệm hợp với chánh lý thì trong một hành gồm đủ cả: Luật, Giáo, Tịnh, Thiền; vậy pháp này là Viên giáo. Lại tu Tịnh Độ thì mau lẹ, nhờ sức từ của Đức Phật, một đời được vãng sanh, đó gọi là đốn.” Một Pháp môn viên đốn, vi diệu như thế đâu phải chỉ dành riêng cho ông già bà cả. Chỉ vì người già hay theo Tịnh Độ nên người ta hiểu lầm như vậy. Còn những người không biết gì hết, chỉ một lòng tin thôi, thì lại rất quý đối với pháp tu này, vì họ niệm Phật với lòng thành kính thiết tha như con nhớ mẹ. Con nhớ mẹ mà mẹ lại mong con thì chắc chắn mẹ con sẽ sum họp một nhà. Còn những người thích kiến giải thì tâm trí hay suy lường, phân biệt, khó phát lòng tin chân thiết nên ít thành công. Riêng đối với những bậc thượng căn đại trí thông suốt tam tạng kinh điển thì Pháp môn này lại rất xứng hợp. Trong kinh Lăng Nghiêm, Ngài Đại Thế Chí đã thưa cùng Đức Phật Thích Ca rằng đã nhờ pháp “Niệm Phật Tam Muội” mà Ngài được viên thông. Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài sau khi lần lượt chứng Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng và tiến lên các nấc thang trong Thập Địa rồi mà khi Phổ Hiền Bồ tát, Ngài cũng khuyên Thiện Tài nên hồi hướng sinh về thế giới Cực Lạc để mau tròn quả Phật.
Tại nước Ấn Độ thuở xưa, Ngài Thế Thân là Thiền Tổ thứ 21, đồng thời là một đại luận sư mà cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc. Rồi đến đời Đông Tấn ở Trung Hoa, thiền sư Huệ Viễn, sau khi đắc chứng thiền cơ, trí huệ thông suốt thì lui về Lô Sơn lập ra Liên Xã, khuyên người người niệm Phật cầu vãng sanh, vì thấy rõ thời mạt pháp, nếu không nhờ sức từ và nguyện lực của Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn thì vạn người tu khó được một người liễu Pháp môn tu Tịnh Độ của Trung Hoa. Sau đó, các vị đại Đạo sư như Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo, Thừa Viễn, Pháp Chiếu, Vĩnh Minh, Liên Trì, Ngẫu Ích,… đều dùng pháp tu Tịnh Độ mà tự lợi, lợi tha. Vì vậy, có thể nói Tịnh Độ là Pháp môn hết sức vi diệu, không bỏ sót ai, là liều thuốc trị liệu chung cho vạn ức người.
Tín lại cất giọng ồ ồ “vịt đực” lên, vấn nạn liền:
– Thưa bác, hồi nãy bác nói chánh báo ra sao thì y báo cũng xứng hợp như thế ấy nhưng tại sao môn Tịnh Độ lại thu nhiếp từ bậc Đại Bồ tát đến đại Đạo sư cho về ở chung một chỗ với những kẻ phàm phu mới vừa đới nghiệp vãng sanh?
Khương đáp thay cha:
– Như người trong cùng một quốc gia, tuy có chung cộng nghiệp nhưng vì biệt nghiệp khác nhau nên có kẻ giàu người nghèo, kẻ thông minh người ngu tối, kẻ đẹp người xấu, kẻ sang người hèn,…
Ở Tịnh Độ, có bốn khu vực riêng biệt:
* Một là, cõi Thánh phàm cùng chung sống, chúng sanh niệm Phật vãng sinh thường được tiếp dẫn về đây.
* Hai là, cõi phương tiện hữu dư: Dành cho bậc Nhị thừa, tuy đã đắc A la hán, dứt kiến hoặc, tư hoặc rồi nhưng vẫn còn vi tế vô minh.
* Ba là, cõi thật báo vô chướng ngại: Dành cho các vị Bồ tát từ Sơ địa đến Đẳng giác.
* Bốn là, cõi thường tịch quang: Là cõi của bậc Diệu giác đang tiến đến cứu cánh Phật.
Những bậc ở cõi trên thì qua lại thông thương với các cõi dưới được, nhưng những vị ở cõi thấp thì không thể thấy biết về các cõi cao hơn, vì vô minh còn làm chướng ngại.
Trong bốn cõi trên, mỗi cõi lại chia làm chín phẩm, cao thấp chẳng đồng, vì công đức tu hành sâu cạn khác nhau. Bởi thế, Đại sư Ngẫu Ích có dạy rằng: “Chúng ta có được vãng sanh hay không, hoàn toàn do nơi chúng ta có lòng tin tưởng và phát nguyện hay không; còn phẩm vị cao thấp đều do nơi chúng ta thọ trì danh hiệu Phật sâu hay cạn.”
Bà Tư bây giờ đã hoàn toàn tin tưởng. Bà nhìn Khá với đôi mắt cảm phục và biết ơn. Bà cất tiếng hỏi:
– Ba tôi năm nay đã 76 tuổi, hai chân yếu không đi đứng gì được, nằm hoài một chỗ nên có lúc tỉnh, lúc mê. Như vậy, tu Tịnh Độ cầu vãng sanh được không?
Hằng đáp, giọng quả quyết:
– Chắc chắn là được. Nhưng mà ông cụ phải có lòng tin tưởng và muốn cầu sanh Cực Lạc. Chờ khi nào ông cụ khỏe khoắn tươi tỉnh, chị nên thỉnh một vị chân tu đến thuyết pháp cho cụ nghe. Từng đó tuổi rồi, dễ thức tỉnh lắm. Lại mang tấm thân bệnh hoạn, không còn quyến luyến ham thích gì nữa nên dễ buông bỏ thân tâm. Buông xuống hết, rồi chí thành niệm Phật, cầu cứu Đức A Di Đà, lẽ nào Phật không rước?
Bà Tư e ngại:
– Lúc tỉnh, có thể cụ còn thầm thầm niệm Phật được, lúc mê thì sao?
Khá:
– Theo tôi được biết, lúc mê, thần thức vẫn còn đó, tức là A lại da thức vẫn tiếp tục hoạt động, chị cứ mở băng tụng kinh A Di Đà và băng niệm Phật cho cụ nghe, Bát thức của cụ sẽ thu nhiếp chủng tử Phật vào tâm. Chủng tử Phật nhiều thì trở thành cận duyên và nhờ đó cụ có tư lương để về nước Phật. Còn những khi cụ tỉnh táo, con cháu nên ngồi chung quanh niệm Phật lớn tiếng cho cụ niệm theo để tạo sự tinh tấn cho cụ.
Bà Tư buột miệng khen:
– Hay thiệt.
Bác sĩ Nguyên đến bây giờ mới mở lời tán thán:
– Anh Khá, ý quên, đạo hữu Minh Khai, thật khéo tu và khéo giúp người cùng tu. Tôi công nhận lý thiền cao siêu, thâm diệu nhưng sức chúng ta khó tu vì gia duyên ràng buộc và nghề nghiệp chiếm hết thì giờ, nghiệp chướng phàm phu thì quá mạnh. Nếu tu trọn đời này chưa chứng ngộ thì chưa biết kiếp sau nghiệp lực lôi cuốn mình về đâu, có chắc được thân người nữa chăng? Hay là nhờ chút dư phước được sinh lên cõi trời, lo say sưa hưởng thụ, đến khi hết phước lại đọa?
Thân người khó được, Phật pháp khó tìm, Tịnh Độ khó tin; nay nhờ đạo hữu, tôi phát khởi lòng tin nơi Pháp môn Tịnh Độ. Nhưng vì tôi đã trót gieo duyên với Thiền nên không bỏ được, tôi sẽ kết hợp Thiền Tịnh song tu. Ý anh nghĩ sao?
– Thật là tuyệt! Tịnh có Thiền như cọp thêm sừng, mười người tu, mười người được. Chư tổ đã nói vậy.
Thu Cúc lấy làm lạ, hỏi:
– Cháu vẫn nghe các Thiền sư tuyên bố: “Gặp Phật giết Phật, gặp ma chém ma”, đó là thái độ phóng túng và phá chấp một cách tuyệt đối để giúp hành giả buông bỏ hết mọi sự đối đãi, phân biệt, nhị nguyên; còn người tu Tịnh thì phải lấy sự tôn trọng, cung kính, lễ bái làm đầu. Hai thái cực ấy làm sao có thể kết hợp lại được? Xin bác Hội trưởng giải cho.
Hằng nhìn đồng hồ, nhắc khéo:
– Muốn nói về Thiền Tịnh song tu chắc phải chờ một dịp khác, vì bây giờ đã đúng ngọ, ai cũng đói bụng cả rồi phải không? Nhất là ngày Tết nữa, nhiều món ăn ngon đang chờ.
Khương nhanh nhảu đáp:
– Dạ phải!
Thu Cúc nhìn anh, cười. Khương hồn nhiên bào chữa:
– Tôi xấu chứng đói lắm!
Trước khi bà con rã hàng ngũ để lo bữa ăn trưa, Trần Kim cất giọng ngâm sang sảng:
Lênh đênh cửa bể Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Diệu Nga (ĐSHĐ-059)