Trên con đường tu học, cốt yếu tầm Sư khai đạo, để mở tỏa chân lý nhiệm mầu, khác nào những người lo gầy dựng sự nghiệp, nhờ người hướng dẫn để biết đường lối nơi chốn. Sau đó, lo sắp đặt nhà cửa vật dụng, chỗ an trú tạm yên, mới có thể phát triển cơ đồ.
Người học đạo cũng giống như người làm việc, nếu thiếu người hướng dẫn sẽ trăm bề khó khăn chật vật, nhưng chẳng may gặp người hướng dẫn lòng vòng, chẳng đâu tới đâu, lại càng thêm khốn khổ bởi dừng lại không đường tiến tới. Thế nên, người học đạo phải có sẵn định hướng, phải có mắt xem người, biết rõ đâu là kẻ ngay lành, đâu là người xảo trá, ai đáng nương, ai nên tránh.
Cần nhất, chớ nghe lời ngon tiếng ngọt mà xiêu lòng, cũng chớ chuộng bề ngoài mà bị người cám dỗ. Phải lắng nghe lời nói, cùng xem xét hành vi mà quyết đoán giá trị, cũng chẳng nên phản biện vội vàng mà gây sự lỗi lầm sơ sót.
Người học đạo, chớ nên chuộng lời nói văn hoa, mà nên nghiên tầm yếu lý, Phật học vững vàng, phải đem ra thực nghiệm trong mọi tình huống, cốt sao chính pháp tâm linh cùng hoàn cảnh được khế hợp “Nhứt trí” đây là điều rất quan trọng.
Sự thực nghiệm, sẽ đem lại cho người học đạo niềm tin vững chắc. Khi ấy, lý và trí được tương ưng, lý và sự được thâm đạt, con đường học đạo nếu được như vậy thì sẽ gợi lên ngọn đuốc sáng. Nhân đây, người học đạo, vững bước tiến lên không chút ngần ngại.
Xưa kia, trong thời Hoa Nghiêm, ngài Thiện Tài đồng tử dấn thân cầu đạo; trong thời Bát Nhã ngài Thường Đề Bồ tát phát tâm tìm cầu bậc Minh sư. Vì tấm lòng thiết tha trọng đạo quên thân mà hai Ngài được thành tựu chí nguyện, tiến tới đạo quả giải thoát.
Những bậc minh sư thiện hữu có nhiều phương tiện dẫn lối chúng sanh hữu duyên. Nên người học đạo chỉ cần vững tâm quyết chí, không ngại khó nhọc, tức là đầy đủ thiện duyên được bậc minh sư hướng dẫn. Khi đã có thầy hay bạn tốt, chắc chắn con đường kiến đạo, thành đạo, đạt đạo, chứng đạo không còn xa vời.
Thế nên, trên bước đường học Phật, người Phật tử phải dõng mãnh tinh tấn, quyết tâm sẵn sàng lập chí niềm tin để có thể “Vì đạo quên mình.”
Người học đạo một khi đã quên mình, tất nhiên xả ly ngã chấp rất dễ dàng mà ngã chấp tận trừ thì pháp chấp nhân đó mà sạch không, vì không còn chỗ năng sở để làm nơi nương tựa.
Bởi ngã chấp, pháp chấp là hai mối dây ràng buộc Phật tánh chân như. Nay hai mối dây đã được thấy rõ ràng thì con đường học đạo nhân nơi kiến tánh mà đạt được quả vị viên mãn. Sự hành đạo một khi hoát ngộ thì cảnh giới Niết-bàn cùng chứng đạo chỉ trong nháy mắt mà thôi…
Lời kết cho người học đạo giống như kẻ tìm phương tiện nhân duyên để gầy dựng sự nghiệp rộng lớn cho cuộc đời của mình, vừa được túc dụng, vừa được vinh hiển cao quý. Nếu mai đó gặp được bạn lành hướng dẫn, thêm thiện tri thức hỗ trợ thì con đường chánh nghiệp khác nào thuyền bè có người lái giỏi lại được thuận gió xuôi buồm thể thì mọi việc sẽ êm xuôi, muôn duyên đều tiến triển, con đường lập nghiệp sớm được toại ý, vừa lòng, chẳng bị khó khăn trở ngại. Dầu có gặp nghịch cảnh thử thách cũng đủ khả năng đương đầu chịu đựng, mọi việc rồi sẽ an nhiên.
Mong sao, hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia đều chọn cho mình một hướng đi vững chắc trên bước đường học đạo. Để rồi nhân đây tạo thành một hướng tiến đầy đủ thiện duyên chánh hạnh, ắt quyết sẽ đạt được kết quả Kiến đạo – Ngộ đạo – Đắc đạo cứu cánh viên mãn như tâm nguyện.
TKN. Như Như