Tham Thiền và uống trà, là chủ đề đã có rất lâu đời trong nhà Phật. Tham thiền bắt nguồn từ thời Đức Phật Thích Ca niêm hoa thị chúng nơi hội Linh Sơn, Tôn giả Ca Diếp đã tiếp nhận bằng nụ cười hàm tiếu. Đức Phật nói: “Ta có Chánh pháp Nhãn tạng, Niết Bàn Diệu tâm, Thật tướng Vô tướng, Pháp môn vi diệu nay đem phó chúc cho Ma ha Ca Diếp.” Cũng chính là câu nói mà sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo dưới cội Bồ Đề: “Lạ thay! Tất cả chúng sanh trong đại địa, mỗi người đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai.” Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm và Đại sư Lục Tổ Huệ Năng (六祖惠能大师 638-713), khi nghe tụng “Kinh Kim Cang” (金刚经), đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” đột nhiên cảm ngộ, quy đầu làm môn hạ Đại sư Hoằng Nhẫn (弘忍大师 601-674), trở thành Tổ thứ sáu của Thiền tông. Kể từ đó, một hoa năm lá, lịch đại Tổ sư, mỗi vị đều dùng thủ đoạn đặc biệt của riêng mình để đối trị tâm bệnh của chúng sanh. Hoặc dùng gậy hét, hoặc giơ tay, hoặc ăn bánh, hoặc uống trà… Vì vậy, văn hóa uống trà dựa trên nền tảng Phật giáo. Các loại trà đều xuất xứ từ Trung Quốc. Ngôn ngữ và trà đạo đều thoát ra ngoài thế tục, nhưng lại không ngoài Phật giáo mà thành. Người đời đều biết “Trà Kinh” (茶经) do Trà thánh Lục Vũ (陆羽 733-804) trước tác. Nhưng chưa hẳn mọi người đều biết rõ, Lục Vũ vốn là một anh nhi bị bỏ rơi, được Thiền sư Trí Tích (智积禅师) chùa Long Cái (龙盖寺), Giang Nam nuôi dưỡng. “Trà Kinh” của Lục Vũ rất cơ bản, tuy bảy ngàn lời nhưng từ khởi đầu đến kết thúc, thật cực kỳ tinh tế phong phú rõ ràng.
Phong cách uống trà, đầu tiên thịnh hành trong Phật giáo.
Tụng trà (颂茶: Thi ca của Lục Vũ) trong nhà Phật, có ba đức:
Một, có thể nâng cao tinh thần, giúp cho hưng phấn. Người tham thiền uống trà, ban đêm không nghĩ đến giấc ngủ, rất có lợi cho thiền định.
Hai, hỗ trợ đường tiêu hóa. Tăng chúng trong nhà Thiền, trọn ngày tĩnh tọa, dễ tích lũy thức ăn. Uống trà giúp cho thức ăn chóng tiêu, lại rất thuận tiện và dễ hành Thiền.
Ba, không suy nghĩ đến tình dục. Hễ ấm no rồi, phần nhiều dễ khởi sanh dục vọng. Một tách trà trong, làm cho tinh thần sảng khoái mới có thể loại bỏ tà niệm, cũng có thể đoạn lìa sự ham muốn.
Ba đức này, đều có lợi cho người tham thiền. Cho nên, nói rằng, phong cách uống trà rất tiện lợi và thịnh hành rất sớm trong Phật giáo.
Trà Kinh
Khoảng niên hiệu Khai Nguyên (713-741), chùa Linh Nham (灵岩寺) – Thái Sơn, Đại Hưng Thiền giáo: “Học Phật, cốt không ngủ nhiều, lại không ăn buổi tối, nhưng cho phép uống trà, mỗi người tự mình nấu trà để uống.” Kể từ đó, phong cách trà dần dần đi vào dân gian. Từ các triều đại “Trâu, Tề, Thương, Đệ (邹, 齐, 沧, 棣), đến Kinh đô, thành thị, thôn ấp phần đông đều mở cửa hàng, pha trà bán, không kể kẻ tăng người tục, bỏ tiền ra thì được uống.” Từ đó, phong cách uống trà phương Bắc, có thể thấy rất thịnh hành.
Trạng thái cao nhất của trà cũng ở trong nhà Phật. Trà thánh Lục Vũ giao tình thâm hậu với nhiều bạn bè, trong đó có Cao Tăng Giảo Nhiên (皎然 720-804) – thi Tăng đời Đường, là sự khởi đầu của Trà đạo Trung Hoa. Sư Giảo Nhiên rất thích uống trà, thích làm thơ, Sư tham thiền ở tuổi trung niên, dung hợp cả Thiền học, Thi học và Nho học và đem ba điều này gồm chung một thể. Hơn nữa, Sư lại ngộ được chân đế của Thiền Trà Nhất Vị. Sư nói:
Nhất ẩm địch hôn mị, tình tư sảng lãng mãn thiên địa
Nhị ẩm thanh ngã thần, hốt như phi vũ tửu khinh trần
Tam uyển tiện thành đạo, hà nhu khổ tâm phá phiền não.
(一饮涤昏寐,情思爽朗满天地
二饮清我神,忽如飞雨洒轻尘
三碗便成道,何需苦心破烦恼)
Tạm dịch:
Một tách trà thơm tỉnh ngủ thôi
Tâm tư sảng khoái vượt đất trời
Hai ly thần thái gần bay bổng
Nhẹ như mưa bụi tỏa chơi vơi
Uống vào ba tách liền giác ngộ
Não phiền tự tại mặc rong chơi.
Sau ba tách trà, không cần phải khổ tâm tìm phiền não để diệt, ngay đó đã “có” (有). Có thể thấy, trạng thái cao nhất của trà làm cho Hòa thượng Giảo Nhiên chứng ngộ bởi tách trà thứ ba này. Chả trách “đưa đón vãng lai đều là thiền, gánh nước bửa củi là viên thông”. Nào ai biết được Tổ sư Triệu Châu đãi khách, đều chăm chút bằng câu nói: “Uống Trà đi (吃茶去)”. Dùng trà để tiếp độ kẻ sơ cơ, hoài niệm tâm bình thường, làm những việc bình thường, đi thẳng vào nội tâm, không hướng bên ngoài tìm cầu, nhận được tâm mà thấy rõ tánh, sau đó dùng trà để tham ngộ sáng tỏ được đại ý Tổ sư Tây lai của “Thiền hòa tử” (禅和子: Hòa thượng, người tham thiền). Đến đây, phàm tình bặt dứt, đáy thùng rỗng không, thấy tánh thành Phật, đã trở thành tuyệt xướng thiên cổ của Thiền tông.
Thiền Trà Nhất Vị
Thiền trà nhất vị và năm việc điều hòa.
Với người bình thường, trà là phương thuốc có thể giúp cho thân thể khỏe mạnh; có thể giúp cho tinh thần phấn chấn; có thể đãi khách, bạn bè; có thể tăng thêm niềm cảm hứng cho văn nhân thi sĩ. Trong đó, lợi ích tuy không đồng đều nhưng rất đầy đủ ý nghĩa. Hòa thượng Viên Anh (圆瑛和尚 1878-1953) khai thị, chỉ cần điều hòa “năm việc” (五事) được như pháp, mới có thể đem Chỉ, Quán (止观: Định và Tuệ trong Tam Vô Lậu Học) điều hòa với nhau. Căn bản điều hòa “năm việc” ở chỗ là phải điều phục sáu căn. Điều phục sáu căn, đi vào sáu trần, để ý sáu thức. Nương sáu thức theo căn không theo trần, điều sáu căn phải đứng mũi chịu sào. Điều dưỡng ngũ căn nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân rất ư là quan trọng.
1. Tìm nơi yên tĩnh để tiện cho việc thu nhiếp thân tâm
Điều hòa năm việc cùng với trà đạo, cả hai giống như nhau, là cần lựa chọn nơi yên tĩnh, dụng cụ uống trà cũng phải chuẩn bị cho tinh khiết, sạch sẽ. Đối với chỗ ô uế, chẳng hạn như quay mặt vào xó nào đó để uống trà, tất nhiên rất hiếm, mà lại có thể nói “Đạo” ư!
2. Điều chỉnh thân thể
Chư Tăng khi tọa thiền, nên ngồi kiết già, thân thể cốt phải ngay thẳng đoan chính, không một chút dựa nghiêng. Hai mắt nhìn chót mũi, thân tâm không mệt không mỏi. Yêu cầu như thế. Chư Tăng trước khi lên tòa ngồi, phải uống trà để máu huyết lưu thông, gân cốt thư thái, sẽ không bị ngủ gật.
3. Điều tiết hơi thở
Đem trược khí trong cơ thể thở ra từ từ, đem không khí trong lành bên ngoài hít vào thư thả, bỏ cũ nạp mới, như thế, gọi là uống trà tối vi thượng thừa. Ba tách trà trong đi vào cơ thể, trán lấm tấm mồ hôi, ngay cả những gì nhơ uế từ bên trong cũng tống hết ra ngoài. Hương thơm ngọt ngào của trà như ngọc nhũ theo vào cơ thể, tự nhiên sáu căn thanh tịnh, vạn niệm bặt dứt. Đây là một phần quan trọng của Thiền.
4. Điều chỉnh hơi thở đằng mũi
Việc nầy không dễ, cần phải đem sự thuần tịnh để điều chỉnh hơi mũi, không quá nhanh, cũng không quá chậm. Nếu trong bụng tích đầy thức ăn, hoặc để bụng đói, đều rất khó thực hành. Vì vậy, chư Tăng trước khi ngồi thiền, đa số đều thích uống trà, hoặc để tiêu hóa thức ăn, hoặc giải trừ cơn đói khát, có lợi cho việc thiền định, không lầm cho việc dụng công.
5. Điều tâm
Bốn trụ cột nêu trên, gọi chung là nhân duyên trợ đạo trong tu học thiền nghiệp. Bốn cột đó làm cho tốt rồi, đến đây là chốt thứ năm, chính là điều tâm. Cửa ngõ của việc điều tâm, nhiều không kể xiết. Điều tâm ở chỗ điều chỉnh ý thức, không làm cho nó khởi tâm phân biệt, không làm cho nó phan duyên theo cảnh giới ngũ trần. Thiền ở nơi phi tưởng phi phi tưởng, thiền ở giữa chân không diệu hữu. Thiền không thể dùng văn tự để viết, thiền không thể nói với người khác.
Mao Phong Cửu Hoa (九华毛峰) còn gọi là Trà Phật Cửu Hoa (九华佛茶), là loại trà duy nhất (độc tú) của Phật Sơn. Thiền và trà, trước đã thuật bày rõ ràng, nhưng trà trong Phật môn, chỉ có Cửu Hoa độc tú. Các loại trà Mao Phong Cửu Hoa và trà Trung Hoa đa số không giống nhau.
1. Cách trồng trà không giống nhau. Mao Phong Cửu Hoa “đã được Đại sư Kim Địa Tạng mang đến trồng”. Khoảng niên hiệu Khai Nguyên nhà Đường (唐开元 713-741), Đại sư Kim Kiều Giác (金乔觉 696-794 CN) còn gọi là Thích Địa Tạng (释地藏), Kim Địa Tạng (金地藏) – Cao Tăng nước Tân La (新罗国) vượt biển đến Trung Hoa, Sư mang theo một vài hạt trà giống. Sau khi kết thảo am trên Cửu Hoa Sơn, trong lúc nhàn rỗi Sư bắt đầu trồng trà. Trà “Nam Đài Không Tâm” (南台空心) tại Cửu Hoa sơn có rất sớm, lại là trân phẩm được sản xuất từ vườn trà này.
2. Cách bảo dưỡng vườn trà không giống nhau. chư Tăng và cư sĩ tại Cửu Hoa sơn, khi bảo dưỡng vườn trà, xưa nay không bao giờ bón phân, họ chỉ dùng cỏ xanh trong vườn. Vào tháng Bảy, tháng Tám ở đỉnh cao của mùa hè, họ dùng máy đào cỏ, sau đó đem cỏ chôn vùi trong hầm trà, cỏ mục nát nuôi dưỡng cây trà, thật là nhất cử lưỡng tiện. Ngạn ngữ nhà nông có câu: “Tháng Bảy khai thác vàng, tháng Tám khai thác bạc.” Do đó, khái niệm về lá trà Mao Phong Cửu Hoa, rất giống cây Dã trà (野茶树, còn gọi là trà Phổ Nhĩ 普洱茶). Bởi lá nhỏ vàng có răng cưa mà cứng nhọn, mạch lá trong suốt mà thô dày, đến nỗi để vài ngày mùi vị trà vẫn không hư.
3. Cách hái trà yêu cầu không giống nhau. Chư Tăng và cư sĩ Cửu Hoa Sơn, khi vào vườn hái trà phải nghiên cứu chọn lựa thật tỉ mỉ, ba nên hái và bốn không nên hái.
Ba nên hái: Một, chọn một búp một lá, lá trà hơi lớn hơn một chút. Hai, hái trà vào buổi sáng khi ánh nắng vừa nhú bên sườn đồi, hoặc sau xế chiều râm mát, để đảm bảo cho lá trà tươi non, nước đầy đủ. Ba, phải dựa theo thời tiết hái trà. Trà Mao Phong Cửu Hoa chỉ khai vườn vào khoảng ngày 10/4 Dương lịch, yêu cầu nghiêm ngặt là được hái trong thời gian một tháng. Qua thời tiết này, quyết không hái trà. Không hái tử trà (紫茶: loại trà quý hiếm màu tím hồng), không hái trà vào mùa hè. Không hái nhưng cũng rất xem trọng loại trà này.
Bốn không nên hái: Một, sau khi trang điểm không được hái trà. Người hái trà sau khi trang điểm không được phép vào vườn trà, để tránh lá trà hấp thu mỹ phẩm. Hai, không hái trà dưới ánh nắng gay gắt, để tránh lá trà trong sọt tre bị khô làm cho mất nước, khi sao chế trà, nước không đủ, trà sẽ không có màu xanh và bị mất mùi. Ba, trời đang mưa không hái trà. Nếu hái trà khi trời đang mưa, mầm tươi lá non không còn sức sống, cành nhánh yếu ớt vẫn chưa hồi phục. Mưa ẩm ướt, trà trong sọt tre xếp chồng lên nhau bắt đầu tăng nhiệt độ làm cho lên men, vì vậy, lá trà khi sao chế sẽ biến thành màu đỏ tím và khi pha cũng sẽ giống như một bát canh. Bốn, thời tiết hái trà không giống nhau. Có câu thơ:
Nhân gian tứ nguyệt phương phi tận
Sơn tự đào hoa thỉ thạnh khai.
(人间四月芳菲尽
山寺桃花始盛开)
Tạm dịch:
Tháng Tư hương thơm bay sực nức,
Vườn đào chùa núi nở đầy hoa.
Văn hóa Phật giáo Trung Quốc
Thanh Như (Việt dịch) (ĐSHĐ-059)