Xưa và nay con người có nhiều phấn đấu, nghị lực, đa dạng, ứng xử nhịp cầu giao cảm xã hội loài người, nhưng cung bậc giáo dục đạo đức cho dốc sinh tồn có lắm đổi thay theo từng thời đại:
1. Thời khép kín
Ngày xưa, các bậc cha ông tiền bối luôn chú trọng giáo dục con cháu rập khuôn đạo đức bản lề nên không cần phải cân nhắc, con cháu không dám đổi thay dù chỉ đường tơ kẻ tóc.
Sở học ngày xưa đạt đỉnh cao, khoa bảng là để giúp vua “trị nước bình thiên hạ” hoặc có những chiến tướng trên lưng ngựa, một thanh gươm, một lưỡi kiếm nguyền an bang giữ nước, danh lợi đến với họ như một sự biết ơn của dân tộc, cá nhân họ không bao giờ mong danh để đạt lợi.
“Làm trai cho đáng nên trai
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên.”
Còn Nữ nhi thì sao? Thời ấy, những cô con gái đẹp nết vô ngần “công dung ngôn hạnh” sáng ngời từng bước chân đi, đồng áng ruộng nương, tay lấm chân bùn, thôn trăng giã gạo, duyên tình thầm kín theo tiếng hát câu hò:
“Hỏi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”
Hơn thế nữa, khi đất nước lâm nguy, xưa và thời cận đại có lắm Nữ nhi xông pha trận tuyến, từ thuở Hai Bà Trưng cho đến ngày giải phóng đất nước (1975), phụ nữ từng thời đại đã góp phần không nhỏ trong việc cứu nước và giữ nước, Phạm Thị Trinh thay lời muôn triệu nữ nhi vọng vang khí phách:
“Tấm thân phó thác cho trời đất
Tấc dạ xin thề với nước non
Tay trắng quyết giương cờ xã hội
Máu đào nguyện rửa sạch non sông.”
quả đúng như lời Đức Phật dạy, dù trai hay gái đều bình đẳng trên mọi lĩnh vực.
2. Thời mở ngõ
Thập niên 1940 của thời cận đại, nhóm “Tự lực văn đoàn” ra đời đã thổi mạnh làn gió Âu Tây, bật luôn cả gốc rễ, hiên ngang cho cô gái tên Loan đạp đổ bàn thờ cha của mình là “cụ Tú”, đã gây nhiều hoang mang bất ổn cho lứa tuổi thanh thiếu niên lúc bấy giờ.
Trước sự đổi thay “bút lông” ra “bút sắt” là bức tranh bi kịch không tránh khỏi những buồn chán, không thốt nên lời khi thấy cảnh:
“Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi.”
Thế thời đã thay đổi, đương nhiên con người và xã hội văn minh, nhưng có lắm trái chiều, đảo điên gốc ngọn, những vết loang nhanh chóng, táo bạo, đổi thay nếp xưa.
Thoáng giấc mơ về quá khứ, những cô gái Huế nói riêng, người phụ nữ nói chung trong chiếc áo dài duyên dáng đẹp xinh đã nhạt phai dần theo thời đại kiểu mới, model, thậm chí, nét đẹp tinh thần, tiết hạnh khả phong cũng mất rồi trong số đông phụ nữ ngày nay!
Vẫn biết, nhịp sống văn minh khoa học hiện đại không tránh khỏi những xáo trộn, đổi thay, nhưng như thế không có nghĩa là đạp đổ cái cũ hoàn toàn, bởi từ xưa nay, theo chu trình tiến hóa của mỗi vật thể đều phải nương vào cái cũ để sản sinh cái mới, làm thế nào để dung hòa được cả hai thời đại đó là những câu hỏi được đặt ra mà hậu thế phải đối diện và trả lời.
“Kim nhơn bất kiến cổ thời nguyệt
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cố nhân.”
Chung quy, từ gốc mới có sự tăng trưởng, sản sinh, nếu xưa kia bằng tiểu thủ công nghệ thì năng lượng sản xuất không cao, nhưng đầy chất dinh dưỡng. Còn nay, nhờ kinh nghiệm đa phương và nhiều tác dụng phụ của khoa học đã giúp mọi ngành nghề nâng cao số lượng, tất nhiên chất lượng lại kém dần dành cho người tiêu dùng nhiều hậu quả khốc liệt.
3. Thời tung cánh
Thế kỷ XX – XIX tràn đầy ánh sáng châu Âu pha trộn nhiều sắc màu đã đẩy lùi nếp xưa của dân tộc bản địa.
“Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.”
Gần như xóa sổ. Ôi! Thật là sống sượng với cái đà văn minh, văn hóa biến chất, trai gái thời nay đã và đang lâm vào “tứ đổ tường”, không lao động mà muốn hưởng thụ cao sẽ dẫn đến thảm họa cho chính mình và bất ổn cho gia đình, nhân thế. Thảo nào, lời than vãn của cha ông như mang nỗi niềm đau khổ lẫn trách chê:
“Văn minh sửa mặt sửa mày
Lời văn tiếng nói thật là quá lanh
Xưng là đầu trẻ tuổi xanh
Chẳng biết hiếu kính học hành làm chi
Ông cha nó lại khinh khi
Người xưa hủ bại u mê hơn mình
Thương đời trần hạ héo hon
Ai nuôi khôn lớn mà mình khinh chê
Ông cha thuở trước dại quê
Mà ngay mà thật hơn thì đời nay.”
Để ánh mắt nhìn tuổi trẻ tuột dốc đạo đức này, bậc Trưởng lão, ông bà cha mẹ, các học giả và ngay cả các tôn giáo có suy nghĩ, có biện pháp nào ngăn chặn chăng? Nếu các bậc ưu thời mẫn thế đều im lặng đứng bên lề đường như kẻ bàng quan, ngày không xa hậu quả tồi bại này sẽ dọc ngang khắp lối.
Dám xin nền giáo dục hiện đại bổ sung những môn học mở lối về nguồn cho con em, môn giáo dục và đạo đức học không thể trống vắng cho nếp xưa vang vọng lối về:
“Tiên học lễ, hậu học văn.”
Là khuôn vàng thước ngọc của bậc tiền bối nuôi lớn con dân bằng chất liệu tình người.
Với tinh thần nhập thế “Phật pháp bất ly thế gian giác”, chư Tăng Ni trẻ bây giờ chen chân vào sở học khoa bảng, sống phóng túng, xa hoa đôi lúc xa cội nguồn “thiền môn quy luật” mà tự mình chưa hề hay biết cũng không thức tỉnh.
“Tâm kỳ Phật pháp đống lương
Dụng tác hậu lai quy cảnh.”
Cũng nhạt nhòa sương khói những bước chân xa quê, rời Thầy Tổ như chưa từng có cuộc chia ly, vẫn nghe vắng lặng mõ sớm chuông chiều len lỏi đâu đây, từng bữa ăn lẫn trong giấc ngủ của bậc Tổ thầy cha ông kính quý.
Thế hệ hôm nay phải mạnh bạo chấn chỉnh đường hướng giáo dục học đường, lãnh đạo Nhà nước nên quan tâm, cải tạo đời sống đồi trụy. Hiện nay, môn học công dân đạo đức đã bị tách khỏi hệ thống giáo dục để thay vào đó định hướng học thuật và vật chất phát triển là điều đáng mừng. Nhưng hậu quả cũng lắm phũ phàng, nguy cơ sụp đổ nền đạo đức nghĩa nhân!
Dấu vết ứng xử tình nghĩa thôn làng nghe nhiều nhức nhối, băng hoại sát khí đầy gươm đao! Phải chăng nhân tính đã mất nên giết người như xem thường, coi nhẹ hơn giết con vật? Thật oái oăm cho nhân tình thế thái, người viết hôm nay với nỗi lòng rỉ máu con tim. Thế giới càng văn minh càng đi sâu vào thời đại rối loạn, tinh vi và hiểm họa. Sự cần thiết giáo dục tâm linh, đạo đức cũng khẩn thiết hơn bao giờ hết, mới cứu được lứa tuổi thanh thiếu niên sống đời bê tha, thác loạn.
Cúi mong các bậc cao minh, những nhà giáo dục mô phạm hãy nhanh tay cứu lấy và chấn chỉnh đường lối giáo dục học đườn. Các nhà tôn giáo có chức năng làm cho tâm hồn được vững vàng, phát triển sự thăng bằng của tinh thần nhằm tránh khỏi những trạng thái cực đoan. Lãnh đạo Nhà nước luôn quan tâm nuôi dưỡng thế hệ trẻ bằng trí tuệ, tiềm năng hướng thượng phụng sự đất nước văn minh, giàu đẹp để Việt Nam quốc thể không hổ thẹn với:
“Quốc Tổ hồn thiêng ngàn năm lịch sử ghi ơn người dựng nước,
Giang san cẩm tú vạn năm, con Hồng cháu Lạc giữ non sông.”
TKN. Như Như