Từ xưa đến nay, nghề nhà giáo được xem là một nghề vô cùng cao quý. Ở đó, Thầy Cô là những “người lái đò thầm lặng” đưa bao thế hệ đến bờ tri thức, góp phần xây dựng tương lai của mỗi con người. Ở ngoài đời thì gọi những bậc đó là thầy cô giáo, còn trong đạo Phật thì gọi các vị đó là Giáo thọ Sư, và vị “Thầy” đó không ai khác cũng có thể là Sư phụ. Không nói đâu xa, đó chính là những người thầy cô của Tiểu Duyên.
Tiểu Duyên là một cô tiểu nhỏ ở chùa Tam Bảo tọa lạc tại Hà Tiên – Kiên Giang, nơi đây được biết đến với vẻ đẹp biển núi nên thơ. Tiểu Duyên xuất gia năm 12 tuổi, năm nay đã bước sang tuổi 18, em vừa chiến đấu với kỳ thi trung học phổ thông xong, biết tin mình đạt điểm cao và đang chuẩn bị chờ đợi lễ Tổng kết tốt nghiệp lớp 12 của mình tại trường THPT Nguyễn Thần Hiến.
Thi xong vẫn còn đi học có lẽ là nỗi ám ảnh của các bạn học sinh. Thế nhưng, ở cái tuổi 18, các bạn học sinh lớp 12 phải đếm từng ngày mình được ngồi trên ghế nhà trường. Bởi lẽ, chỉ khi nào sắp mất đi cái gì đó thì con người ta mới biết quý trọng, đó chính là tuổi học trò.
Hôm nay, như thường lệ, Tiểu Duyên vẫn lên lớp sinh hoạt. Cô Tuyết chủ nhiệm cũng đã vào lớp. Cô đi đến bên bàn của Tiểu Duyên, vẻ mặt vui mừng, dịu dàng:
– Duyên ơi, cô vừa biết tin là trong top 10 học sinh giỏi nhất khối 12 thì em đứng hạng 3 đó em. Cô với các giáo viên khác vừa họp xong, cô có đề nghị cho em viết bài để đại diện các học sinh giỏi của khối đọc về cảm nghĩ của mình cũng như là lời phát biểu, chia sẻ quá trình học tập của mình vậy đó em. Giọng của em rất truyền cảm, em viết văn thơ hay nữa nên quý thầy cô đều tán thành hết rồi. Em về viết bài rồi chuẩn bị đọc vào hôm “Lễ Tổng kết – tri ân Thầy Cô” nha em.
Nghe xong, Tiểu Duyên vô cùng bất ngờ và có cảm giác e dè. Bởi, Tiểu Duyên thường rất ít nói, em có một nỗi sợ hãi trước đám đông. Em nghĩ “thường thì tới giờ trả bài cho thầy cô còn thấy run, phát biểu trước lớp còn cảm thấy e dè, ngại ngùng thì làm sao có thể đứng trên bục để phát biểu trước hàng trăm bạn bè phía dưới đây, chưa kể có cả chính quyền, phụ huynh và nhiều thầy cô nữa”. Nghĩ thế em liền thưa cô:
– Dạ cô ơi… em thấy có bạn Lành, bạn Tiên học giỏi hơn em nhiều mà viết văn cũng hay nữa. Dạ em thấy mình chưa có sẵn sàng và tự tin để có thể đại diện các bạn đọc bài hôm tổng kết ạ. Hay là…
Nghe đến đó, cô Tuyết nhỏ nhẹ, động viên:
– Không sao đâu em, em có một tuần chuẩn bị lận, mình phải cố gắng và tập tính tự tin lên nào. Thôi em cứ viết bài đi rồi gửi cô xem, hôm đó em đại diện lên đọc nhé.
Nói xong cô nở một nụ cười tươi như truyền cho Tiểu Duyên một động lực. Với Tiểu Duyên, em vẫn còn lưỡng lự, bởi một nửa vẫn muốn thử sức, muốn cho thầy cô vui. Một nửa vẫn còn sợ đọc run quá bị mọi người cười chê. Thế là em mang cả nỗi niềm suy tư suốt buổi lên lớp ngày hôm đó. Sau khi về chùa, em đến bên Sư phụ và nói lên nỗi niềm của mình. Sư phụ của Tiểu Duyên là Sư cô Huệ Nghiêm, Giáo thọ sư dạy Luật Tỳ kheo ni trong các trường hạ phía Tây Nam Bộ. Chạy đến bên Sư phụ, Tiểu Duyên thưa:
– Dạ thưa Sư phụ, con vừa biết tin con nằm trong top 10 học sinh giỏi nhất của khối 12 năm nay ạ. – Tiểu Duyên cười rạng rỡ, mừng khoe.
Trong ánh mắt của Sư phụ cũng hiện lên niềm vui, hạnh phúc, Sư phụ nhẹ nhàng bảo:
– Tiểu Duyên giỏi quá, sắp tới Sư phụ sẽ thưởng quà cho con nha. – vừa nói Sư phụ vừa xoa đầu Tiểu Duyên.
Nhưng sau đó, ánh mắt của Tiểu Duyên lộ vẻ suy tư, hít một hơi sâu thưa với Sư phụ:
– Dạ nhưng Sư phụ ơi, cô giáo nói con có chất văn và thơ hay nên cô đã họp và chọn con là người đại diện học sinh giỏi đọc bài tri ân thầy cô vào hôm tốt nghiệp sắp tới ạ. Nhưng con cảm thấy run và sợ mình làm không được rồi con sẽ khiến cô thất vọng, con sợ người ta…người ta cười con thưa Sư phụ ơi…
Hiểu được vấn đề, với sự tâm lý của mình, cùng lòng yêu thương, Sư cô Huệ Nghiêm mỉm cười từ tốn, tay xoa đầu Tiểu Duyên và nói:
– Con biết không, ngày xưa Sư phụ cũng nhát và không dám nói trước đông người, Sư phụ cũng sợ mình nói nào là người khác sẽ cười, thêm tâm lý có chút không tự tin nên Sư phụ dường như không bao giờ tham gia các hoạt động hay phong trào của trường của lớp. Đến một ngày kia, khi học trung cấp Phật học, cái khó khăn với Sư phụ chính là thi bằng hình thức thuyết trình trước nhiều người. Lúc đó, Sư phụ cảm thấy run lắm. Nhưng Sư phụ đã cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi của mình bằng cách nào con biết không? Đó là Sư phụ tự rèn luyện cho mình phong cách nói, là Sư phụ sẽ nhìn vào gương và nói như nói với mọi người. Sư phụ sẽ nhìn khẩu hình nét mặt, tập diễn giải bằng lời nói và cử chỉ của đôi tay. Cứ như thế trong một năm thôi, Sư phụ đã không còn sợ đứng trước đám đông để đọc hay nói nữa và Sư phụ cũng thuyết trình hay hơn. Thêm việc cố gắng nghiên cứu kinh điển để học và hành nên bây giờ Sư phụ mới đi dạy nè con. Con cũng vậy, con phải rèn cho mình đủ cả tài và đức để sau này học xong còn phụng sự cho đạo pháp nữa. Rồi con sẽ trở thành một “Sứ giả của Như Lai” giống như Sư phụ vậy. Vì thế, con phải tập cho mình sự dạn dĩ, tự tin nhưng khiêm cung khi đứng đọc hoặc nói trước đám đông nha con. Sư phụ tin rằng con sẽ làm được. Bây giờ như vầy, con đi viết bài tri ân thầy cô, chia sẻ vấn đề học tập như cô giáo của con dặn, xong rồi con đọc cho Sư phụ nghe. Con coi Sư phụ là hàng trăm người kia để con quen nha. Bây giờ phải tự tin lên và bắt tay thực hành nha con.
Nghe xong lời dạy của Sư phụ, Tiểu Duyên vô cùng phấn khởi, vui mừng, cảm thấy mình cần phải chớp lấy cơ hội này để làm cho cô giáo và Sư phụ vui lòng. Em liền “Dạ” xong và chạy đi viết bài để đọc cho Sư phụ nghe.
Hôm sau, bài viết cũng đã xong, em rất tâm đắc về bài viết của mình. Em chạy ngay đến thưa với Sư phụ mình đã viết bài xong. Theo sự chỉ dẫn của Sư phụ, thế là đệ tử thì đứng trên bộ phản thay cho bục MC trong trường, còn Sư phụ thì bắt, ghế ngồi nghe giống như những người dưới hội trường. Chắc có lẽ ai mà bắt gặp cảnh này sẽ cảm nhận được tình thương và sự ủng hộ của Sư phụ đối với người đệ tử nhỏ bé như thế nào…
Tiểu Duyên cầm tờ giấy trước mặt cảm thấy vui mà cũng mắc cười nữa, em hít một hơi rồi dõng dạc đọc lên từng dòng, từng dòng cho hết bài. Mà mỗi khi đọc khoảng vài dòng thì em hé tờ giấy sang để nhìn xem biểu cảm của Sư phụ thế nào. Cứ thế, hai Thầy trò cứ đệ tử thì đọc, Sư Phụ thì lắng nghe, lặp đi lặp lại đến 3 lần.
Sau khi đọc sau lần thứ ba, Sư phụ mỉm cười nói:
– Con đọc lần này là không còn vấp và cũng nhấn nhá, trầm bổng đúng chỗ hay hơn rồi nè. Con nhớ phải đọc đi, đọc lại nhiều lần nữa cho mượt hơn nha. Ngày con lên khán đài đọc, con phải nghĩ là mọi người xung quanh, thầy cô và cả Sư phụ luôn lắng nghe và ủng hộ cho con. Ai cũng quý mến con hết, con phải đọc thật hay để mọi người cùng nghe nhé. Sự chuẩn bị chu đáo và tâm thái tự tin, bình thản sẽ giúp con vượt qua mọi nỗi sợ hãi biết không con.
Tiểu Duyên vui vẻ, cười tít mắt:
– Dạ con nhớ rồi ạ thưa Sư phụ, con sẽ thật cố gắng không để cho Sư phụ và thầy cô, bạn bè phụ lòng đâu ạ.
Một tuần trôi qua, ngày “Lễ Tổng kết – tri ân thầy cô” đã đến. Các bạn học sinh hớn hở, vui mừng, hội trường xôn xao với nhiều cảm xúc khác nhau. Sắp đến phần trình bày của mình, Tiểu Duyên được cô giáo ra hiệu lên trước để chuẩn bị. Khi Tiểu Duyên bước lên khán đài và nhìn xuống dưới, em cảm thấy choáng ngợp trước hàng trăm người có bạn bè, các em nhỏ lớp dưới, rồi nào là chính quyền, phụ huynh,… em cảm thấy mình trở nên thở gấp, bước chân có vẻ run run, dường như có cái gì nặng lắm đang đè lên lồng ngực của mình. Em quay sang nói nhỏ với cô giáo, trên mặt em có vẻ tái nhợt, mồ hôi lấm chấm:
– Dạ cô ơi, em cảm thấy run lắm, tim đập nhanh mà sợ sợ sao đó ạ thưa cô.
Nghe thế, cô Tuyết liền ôm Tiểu Duyên vào lòng, nhẹ nhàng nói với em:
– Không sao đâu em à, tất cả mọi người, thầy cô luôn chờ đợi đến lượt em đọc bài, em là một học sinh ngoan, hiền, chăm chỉ ai ai cũng yêu mến. Em có chất giọng rất hay, em muốn thành công thì phải vượt qua nỗi sợ hãi của mình biết không em. Cô rất thích câu nói của Nguyễn Bá Học đó là “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi, e sông”. Cô tin học trò của cô rất giỏi, sẽ tự tin vượt qua nỗi sợ hãi của mình. Cố lên em, cô luôn ủng hộ em.
Những lời nói của cô như tiếp thêm lửa cho Tiểu Duyên, em nhận ra được mình cần phải thật bình thản, tự tin như lời Sư phụ dạy, phải đối diện với nỗi sợ hãi như cô Tuyết nói. Em bước lên bục MC, từng bước chân hơi run, có vẻ nặng nề bởi em thấy hàng ngàn con người đang nhìn về phía mình. Kể ra cũng vui, có một ngày cô tiểu ở chùa lại đại diện cho học sinh giỏi toàn khối đứng lên đọc bài phát biểu, đương nhiên sẽ có nhiều người ngưỡng mộ có, bất ngờ có, nhưng có lẽ ai ai cũng yêu quý cô và trông chờ giọng đọc của cô tiểu.
Tiểu Duyên lấy một hơi dài bằng cái hít vào thật sâu, em dõng dạc với giọng trầm bổng “Thời gian như dòng nước, thấm thoát đã ba năm trôi qua. Biết bao kỷ niệm vui buồn, có cả tình bạn, tình yêu thương vô bờ bến của những người lái đò thầm lặng…” từng dòng chữ, từng dòng chữ trôi qua trong chất giọng còn run, có vẻ thở gấp… Em nhớ đến hình ảnh Sư phụ ngồi nghe từng dòng chữ của mình, nhớ cái xoa đầu động viên của Sư phụ, nhớ cái ôm yêu thương của cô giáo, em nhớ rõ mồn một những ánh mắt trìu mến của những người kỳ vọng vào mình. Em cảm thấy tự tin hơn hẳn, em đã cảm nhận được giọng đọc của mình, sự im lặng của cả hội trường như đang lắng nghe em. Giọng em đã thánh thoát hơn, biểu cảm hơn và không còn run nữa. Em cảm thấy mình thoải mái, nhẹ nhàng không còn sợ hãi cho đến khi bài đọc kết thúc. Cả hội trường có cả cô giáo vỗ tay tươi cười với em. Nhìn xuống hàng ghế Phụ huynh, em thấy Sư phụ vào ngồi đó từ khi nào không biết, Sư phụ có vẻ rất tự hào về em. Giây phút ấy, em hạnh phúc vô cùng. Lần đầu tiên, em đã chiến thắng sự sợ hãi đứng trước đám đông của mình. Chắc có lẽ, đây là một kỷ niệm em không thể nào quên trong đời học sinh và có khi là cả một đời người.
Sau đó, một tin vui nữa lại đến, em may mắn đậu vào ngành Lịch sử của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Thành phố Hồ Chí Minh) với số điểm là 26,5. Một bước ngoặt mới đã mở ra với tương lai của em, đó là năm 2019. Vào học kỳ một của mình, có một môn học khiến Tiểu Duyên nhớ mãi đó là môn “Xã hội học đại cương”, môn này giữa kỳ thi theo hình thức thuyết trình nhóm. Tiểu Duyên được bầu làm nhóm trưởng và mang “trọng trách” thuyết trình cho nhóm. Nhờ được hun đúc sự dạn dĩ từ cô chủ nhiệm năm lớp 12 và sự chỉ dẫn trong phong cách thuyết trình từ Sư phụ dạy, nên Tiểu Duyên nhanh chóng đã rèn luyện cho mình phong cách thuyết trình. Vì lẽ đó, ngày đầu tiên thuyết trình, Tiểu Duyên đã hoàn thành tốt bài thi của mình, được giảng viên khen hay và đạt 9 điểm môn “Xã hội học đại cương”. Và đây cũng là bước ngoặt để Tiểu Duyên làm nền tảng cho việc ngày càng hoàn thiện trong sự học của mình.
Cứ như thế suốt 4 năm trôi qua, giờ đây Tiểu Duyên đã trở thành cô Huệ Duyên tự tin, dạn dĩ trước đám đông, thường hay tham gia các tọa đàm, hội thảo khoa học của trường và Phật giáo tổ chức, không những thế cô còn về chùa phụ giúp Sư phụ với vai trò MC,… gần đây nhất là cô vừa bảo vệ khóa luận tốt nghiệp được 9 điểm. Cứ như thế, cô Huệ Duyên chuẩn bị cho mình tư trang, chuẩn bị bước đến một bước ngoặt mới trên con đường tu học của mình, nơi đó có tên là Học viện Phật giáo Việt Nam tại cơ sở 2 (Thành phố Hồ Chí Minh).
Hôm nay là một ngày đẹp trời, còn vài ngày nữa thôi là đến ngày 20/11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam. Trên con đường từ cổng vào trường, hai bên hàng cây ven đường đều trưng bày những bó hoa tươi đẹp nhiều màu sắc, những món quà lưu niệm với nhiều kiểu dáng đẹp có in những hàng chữ để bày tỏ sự tri ân đối với quý Thầy Cô của mình. Cô Huệ Duyên hiểu rằng những người thầy, cô và cả Sư phụ, những vị Giáo thọ Sư dù trong đạo hay ngoài đời đều là những “người truyền lửa” đáng kính vô cùng. Không chỉ cho học trò tri thức để dựng xây tương lai, mà còn tôi luyện đạo đức cho mỗi người trở thành một công dân có ích, làm cho “tốt đạo – đẹp đời”. Những người thầy, cô đó suốt một đời sống vì lý tưởng và cống hiến, đưa biết bao thế hệ qua sông bằng tri thức, tiếp bước để mọi người vững vàng trên đường đạo lẫn đường đời. Ở đó, những vị Giáo thọ Sư hay thầy cô giáo chẳng mong nhận lại bất kỳ điều gì, miễn sao học trò của mình nên người, làm được lợi lạc cho đạo pháp, xã hội. Ôi… không thể dùng từ ngữ hoa mỹ nào để nói lên công ơn đó. Các vị đã truyền lửa cho biết bao thế hệ, để những ngọn đuốc trí tuệ sáng lên soi rọi chính cuộc đời mình, soi rọi cả cho người khác. Cô biết rằng kiến thức dù trong đạo hay đời đều tốt đẹp, luôn cần phải bổ trợ và có mối quan hệ mật thiết với nhau, “trong đời phải có đạo – trong đạo bao gồm cuộc đời”. Có như thế thì Phật giáo nhập thế hiện nay mới dễ dàng hòa nhập hơn với tinh thần “khế lý – khế cơ”, mới luôn có thể “đồng hành cùng dân tộc”. Bên cạnh đó, phải luôn m ạnh mẽ, vững chãi đối diện với nỗi sợ hãi của mình. Bởi trên con đường đi về phía trước luôn đầy dẫy những sợ hãi, khó khăn. Nhưng với tư thế vững vàng, bình thản, tự tin, khiêm cung sẽ là động lực cho mình thành công. Cô tâm đắc nhất là câu nói của Đức Phật trong kinh Pháp Cú: “Chiến thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất”. Đã bốn năm học trong trường đại học, sắp đến đây cô quyết định sẽ về thăm trường một chuyến, để tri ân Sư phụ và những thầy cô giáo của mình. Nhưng trước tiên là tìm và nói lời tri ân với quý thầy cô ở giảng đường đại học trước đã.
Bước đi thong dong trên con đường tươi đẹp, trong lành bởi cây cối xanh mướt, tiếng chim ríu rít như hòa khúc hát an bình của buổi ban mai, cô mỉm cười trong niềm hỷ lạc, phút chốc nhẩm lên bài thơ tri ân quý thầy cô của mình cũng như hòa vào không khí của ngày Nhà giáo Việt Nam – 20/11:
Tôi kể bạn nghe về người truyền lửa
Suốt cuộc đời vì những đứa con thơ
Dạy cho con những kiến thức hàng giờ
Để chúng con được cập bờ tri thức
Người truyền lửa chưa bao giờ than cực
Dù đêm ngày luôn túc trực dạy con
Bên cửa sổ, trời khuya sức hao mòn
Nhưng vẫn luôn làm tròn xong giáo án
Dạy chúng con trong cách sống, tình bạn
Ứng xử đời, hoạn nạn phải làm sao
Dạy cho con bài học đa sắc màu
Cho con sống thế nào là đạo đức
Mong cho con làm công dân chuẩn mực
Tốt đạo – đẹp đời, trung thực, yên vui
Truyền cho con động lực, chẳng biết lùi
Cho con trẻ niềm vui trong cuộc sống
Dù “đạo – đời”, kiến thức nào cũng rộng
Phải song hành qua giấc mộng nhân gian
Để dồi trau những tri thức vững vàng
Giúp cho người bình an trong cuộc sống
Con xin tri ân, từ nào đầy khoảng trống
Lời tri ân trong hình bóng cô, thầy
Dù trăm năm cây lá có đổi thay
Ân nghĩa này vẫn không phai năm tháng
Người truyền lửa vẫn ngày ngày thắp sáng
Lên tương lai, tô đẹp mảng đạo – đời.
Huệ Giác